Mùa mưa: Chính trị sông nước đằng sau các trận lụt châu Á

16 Tháng Bảy, 2019 | Tin thế giới
Photo courtesy: BBC

Khi nói đến tài nguyên nước, quan hệ giữa Ấn Độ và Nepal chưa bao giờ dễ dàng.

Nhưng trong những năm gần đây, mối quan hệ hai bên đã bắt đầu xấu đi trong mùa mưa hàng năm, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9.

Lũ lụt gây căng thẳng giữa hai nước láng giềng, khi những người dân giận dữ ở cả hai phía đổ lỗi tai ương của họ cho người ở bên kia biên giới.

Năm nay, lũ lụt đang tàn phá khu vực. Hàng chục người đã thiệt mạng ở Nepal và Bangladesh, và hơn ba triệu người đã phải di dời ở phía Bắc và Đông Bắc Ấn Độ.

Ấn Độ và Nepal chia sẻ một biên giới mở, trải dài 1,800km.

Hơn 6.000 con sông và dòng chảy chảy xuống phía bắc Ấn Độ từ Nepal và chúng đóng góp khoảng 70% dòng chảy của sông Hằng (Ganges) trong mùa khô.

Vì vậy, khi những con sông này bị ngập tràn, nước lũ tàn phá đồng bằng Nepal và Ấn Độ.

Trong vài năm qua, đặc biệt đã có sự tức giận rõ rệt ở phía biên giới Nepal.

Nepal đổ lỗi cho các công trình giống như đê dọc biên giới mà nước này nói rằng chặn dòng nước lũ chảy về phía Nam vào Ấn Độ. Trong một cuộc điều tra ở miền Đông Nepal hai năm trước, BBC đã thấy các cấu trúc ở phía Ấn Độ dường như làm điều này.

Cấu trức này nằm tại một địa điểm mà người dân địa phương từ cả hai bên biên giới đã đụng độ vào năm 2016 sau khi Nepal phản đối việc đấp đê.

Giới chức Nepal cho biết có khoảng 10 công trình như vậy, làm ngập hàng ngàn hécta đất ở Nepal.

Giới chức Ấn Độ thì nói rằng đó là những con đường nhưng các chuyên gia ở Nepal nói rằng đấy là những bờ đê bảo vệ cho các làng biên giới Ấn Độ khỏi lũ lụt.

Gaur, trụ sở của quận Rautahat ở miền Nam Nepal, bị ngập lụt trong ba ngày cuối tuần trước và các quan chức lo ngại sẽ có đụng độ.

“Sau nhiều hoảng loạn, hai cánh cổng bên dưới bờ đê Ấn Độ đã được mở và điều đó đã giúp chúng tôi”, ông Krishna Dhakal, tổng giám đốc của lực lượng cảnh sát vũ trang, nói với BBC.

Giới chức Ấn Độ không trả lời yêu cầu bình luận.

Hai nước đã tổ chức các cuộc họp về vấn đề này trong nhiều năm nay nhưng không có gì thay đổi. Một cuộc họp vào tháng 5 giữa các quan chức quản lý sông nước của Nepal và Ấn Độ thừa nhận “sự kẹt liên tục của các con đường và các công trình khác” dọc biên giới nhưng cho biết điều này chỉ nên được thảo luận thông qua “các kênh ngoại giao”.

Các nhà đàm phán và ngoại giao Nepal đã phải đối mặt với những lời chỉ trích ở nước họ vì không thể nêu vấn đề một cách hiệu quả với các đối tác Ấn Độ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là người Ấn Độ cũng không bị lũ lụt. Khoảng 1,9 triệu người đã bị buộc rời khỏi nhà ở tiểu bang Bihar phía Đông Bắc, chính phủ tiểu bang cho biết hôm thứ Hai.

Bihar bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi các con sông lớn như Kosi và Gandaki – phụ lưu của sông Hằng bị lụt và Nepal thường bị đổ lỗi cho việc mở cửa tháo nước và gây nguy hiểm cho các khu định cư ở vùng hạ lưu.

Nhưng thực ra chính phủ Ấn Độ điều hành các rào chắn trên cả hai con sông mặc dù chúng nằm ở Nepal.

Điều này phù hợp với các hiệp ước Kosi và Gandak được hai nước lần lượt ký kết vào năm 1954 và 1959.

Các đập được Ấn Độ xây dựng phần lớn là để kiểm soát lũ lụt, thủy lợi và sản xuất thủy điện. Nhưng chúng đã gây tranh cãi khá nhiều ở Nepal vì được xem là không mang lại lợi ích cho người dân địa phương.

Chính phủ Ấn Độ, ngược lại, chỉ ra nhưng rào chắn này là ví dụ điển hình về hợp tác và quản lý nước xuyên biên giới.

Chỉ riêng đập Kosi đã có 56 trận lụt. Bất cứ khi nào lũ lụt do mùa mưa trên sông đạt đến mức “nguy hiểm”, Ấn Độ bị chỉ trích vì không mở tất cả các cửa tháo nước, mà người dân địa phương nói rằng đe dọa các khu định cư ở Nepal.

Kosi, từ lâu được gọi là “nỗi buồn của Bihar”, đã ngập lụt nhiều lần trong quá khứ và gây ra sự tàn phá. Vào năm 2008, hàng ngàn người thiệt mạng và gần ba triệu người ở Nepal và Ấn Độ bị ảnh hưởng.

Vì đập này đã gần 70 tuổi và có những lo ngại rằng lũ lụt lớn có thể làm hỏng nó, Ấn Độ đã lên kế hoạch xây dựng một con đập ở phía Bắc của đập Kosi. Con đập này cũng sẽ được đặt tại Nepal.

Nhiều dòng sông của Nepal chảy qua dãy núi Chure có hệ sinh thái mỏng manh và đã bị đe dọa nghiêm trọng.

Những ngọn đồi này từng ngăn bớt dòng chảy của các con sông và giảm thiểu thiệt hại chúng có thể gây ra, cả ở Nepal và qua biên giới ở Ấn Độ. Nhưng nạn phá rừng và khai thác đã làm các ngọn đồi mất ổn định.

Sự bùng nổ các công trình xây dựng gần đây đã dẫn đến việc khai thác tràn lan các tảng đá, sỏi và cát từ các lòng sông trong khu vực. Các ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng ở hai tiểu bang Uttar Pradesh và Bihar của Ấn Độ đang tiếp tục khuyến khích việc phá hủy tài nguyên thiên nhiên của khu vực.

Và với tất cả các phòng thủ thiên nhiên đã biến mất, lũ lụt gió mùa không còn được kiểm soát, các quan chức nói.

Một chiến dịch bảo tồn cao cấp đã được triển khai vài năm trước nhưng nó đã bị xì hơi và việc cướp bóc tài nguyên thiên nhiên hiện đã đạt đến mức báo động.

Hệ sinh thái của khu vực quan trọng không chỉ đối với tương lai của đồng bằng Nepal, được gọi là giỏ bánh mì của nước này, mà còn cho các tiểu bang Uttar Pradesh và Bihar. Nepal phải đối mặt với sự chỉ trích từ Ấn Độ vì không kiểm soát được nạn phá rừng và khai thác mỏ.

Bây giờ, khi biến đổi khí hậu làm cho mùa mưa trở nên thất thường, giới chuyên gia lo ngại rằng sự bất hòa giữa hai nước láng giềng có thể trở nên phức tạp hơn nhiều.

 

Theo BBC