Ngày đen tối nhất của Tân Tây Lan: động đất làm 75 người chết và con số còn cao hơn bởi có khoảng 300 người mất tích

22 Tháng Hai, 2011 | Tin thế giới

 

Không ảnh chụp binh đinh đài truyền hình CTV ở trung tâm thành phố Christchurch, nơi được tin có 100 người bị kẹt và chết bên trong. Photo courtesy: New Zealand Herald

 

Trưa Thứ Ba  22.2, vào khoảng gần 1 giờ trưa là giờ ăn trưa, một trận động đất mạnh 6.3 độ Richter xảy ra tại thành phố Christchurch ở đảo nam của Tân Tây Lan đã gây ra một cảnh tượng kinh hoàng như bãi chiến trường. Thủ tướng Tân Tân Tây Lan đã nhanh chóng bay tới hiện trường để quan sát và gọi đây là ngày đen tối nhất của Tân Tây Lan- The darkest day. 

 

Thiên tai xảy ra cho xứ Kiwi vào khoảng gần 11 giờ  sáng ở Úc. Christchurch là thành phố lớn thứ ba của Tân Tây Lan sau Auckland và Wellington ở đảo phía bắc.  Christchurch được coi là nơi có thắng cảnh đẹp nhất ở Tân Tây Lan với nhiều di tích cổ kính, thu hút nhiều du khách muốn thưởng thức phong cảnh trữ tình, yên tĩnh.

 

Tân Tây Lan nằm trên vành đai của địa chấn nên thường xảy ra động đất. Tháng 9 năm ngoái, một trận động đất với cường độ lớn hơn, 7.1 độ Richter nhưng chỉ gây hư hại nhà cửa và làm vài người bị thương.

 

Cho đến hôm Thứ Tư 22.3, số người chết trong trận động đất đã lên tới 75 người, 65 người đã được nhận diện. Số người mất tích khoảng 300.

 

Trong số những bị kẹt dưới đống gạch vụn, bê tông trong đó có một phụ nữ Úc, bà Anne Vos, quê ở Geelong.

 

Một phụ nữ bị thương được bạn bè giúp đỡ. Photo courtesy of 9News

 

Nói chuyện với phóng viên của đài truyền hình số 9 bằng điện thọai di động vào chiều Thứ Ba, bà Voss cho biết bà hiện đang bị kẹt dưới bàn làm việc của trụ sở công ty Pyne Gould Corporation  ở thành phố Christchurch. Bà nói bà bị thương, máu chảy và ngồi trong bóng tối, không ra được vì thế không biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài. Bà hy vọng người ta sẽ sớm đến cứu bà.

 

Trưa Thứ Tư hô, bà Vos đã được cứu thoát. Bà nói lúc đó bà đang trực điện thoại thì thình lình căn nhà rung chuyển một cách khác thường. Biết có chuyện, bà lập tức chui xuống gầm bàn làm việc và nhờ vậy thoát chết.

 

Phát biểu tại quốc hội tại Canberra, Thủ tướng Úc Julia Gillard nói bà chia sẻ thiệt hại và mất mát của nước anh em mà bà vừa qua thăm viếng tuần qua và nói rằng Tân Tây Lan cần gì mà Úc có khả năng thì Úc sẵn sàng giúp.

 

Một toán nhân viên cấp cứu Úc đã được đưa sang Christchurch trong chiều Thứ Ba để giúp tìm và cứu những người đang bị kẹt dưới những đống gạch vụn. Bà Gillard cho biết có hàng hàng người Úc đang ở Tân Tây Lan và vì thế thân nhân hãy chuẩn bị tinh thần vì những chuyện ngoài ý muốn có thể xảy đến cho người thân như bị thương hay ngay cả thiệt mạng.

 

Truyền hình chiếu những đoạn phim quay được bằng video hay điện thoại cầm tay cho thấy cảnh những tòa nhà đổ, những cửa tiệm hai bên đường sập làm người đi đường chạy tán loạn và cả cảnh đất chuồi, bụi đất bay mù mịt.

 

Động đất làm một số nơi mất điện hay ống nước vỡ gây cảnh ngập nước. Tình trạng mất điện và nước có thể kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần.

 

Nhà thờ chính tòa Christchurch bị hư hại nặng. Photo courtesy of 9News

 

Nhà thờ chính tòa được xây cách đây khoảng 130 năm là một di tích trân quý của thành phố bị sập tháp, mái đến độ không còn nhận ra nữa.

 

Vì động đất xảy ra vào buổi trưa khi người dân đang làm việc, học sinh ở trường nên như Thủ tướng John Key nói, thiệt hại nhân mạng có thể sẽ cao hơn nữa.

 

Có khoảng 400 bác sĩ Úc trong số 650 bác sĩ khắp thế giới về Christchurch dự hội nghị về ung thư tiền liệt tuyết tối nay phải ra ngoài công viên ngủ bởi vì khách sạn của họ bị hư hại nặng do động đất.

 

Vào trưa Thứ Tư, Thanh tra Dave Lawry nói với các phóng viên ông tin chắc chắn 100 phần trăm không còn ai trong tòa nhà đài truyền hình Canterbury TV (CTV) còn sống sót do đó các nhân viên cấp cứu phải ngưng làm việc vì sự an toàn của họ. Tòa nhà đài truyền hình bị sập nặng nể trong đó có trên 100 người bị kẹt, một số là sinh viên Á Châu mà phần lớn là người Nhật.

 

Kent và Lizzy Manning phản ứng cùng với ông bố khi cảnh sát nói không hy vọng còn ai sống sót. Mẹ và vợ của họ, bà Donna là nhân viên của đài truyền hình CTV. Photo courtesy AP

 

Ông Lawry nói đấy là một quyết định đau lòng mà cuối cùng ông phải làm và cảm thấy  đau buồn cho thân nhân của những người bị kẹt dưới đống gạch của tòa nhà này. Một nữ sinh viên Á Châu khóc nói người bạn của cô đã không trở ra được nữa.

 

Bà Nancy Wu có ông chồng là Paul Wu đang kẹt bên trong tòa nhà CTV nói bà tan nát cõi lòng khi nghe cảnh sát nói ngừng tìm kiếm nhưng bà hy vọng họ sẽ trở lại “bởi người ta có thể sống sót thêm nhiều giờ và chúng  tôi không ngưng hy vọng”.

 

Không ngại nguy hiểm cho bản thân: Nhân viên cấp cứu lò mò tìm kiếm người sống sót trong tòa nhà đài truyền hình CTV đã sập. Photo courtesy AAP

 

Hy vọng đối với 14 người bị kẹt trong tòa binh đinh Pyne Gould Corporation cũng tan biến vào chiều Thứ Tư này. Thanh tra Dave Cliff nói đến một lúc nào đó thì hy vọng không còn nữa “nhưng chúng tôi vẫn ở đây”.

 

Nhiều quôc gia trên thế giới đã tức tốc gởi những đoàn cấp cứu sang Tân Tây Lan, kể cả Hoa Kỳ. Đài Loan cũng đã đưa sang một toán cấp cứu 24 người gồm hai con chó đánh hơi người.

 

Một số người được cứu thoát khỏi các đống gạch bị thương nhẹ, một số phải bị cưa chi thể để có thể kéo ra hay để tránh nhiễm trùng. Người ta ước đoán con số người chết có thể từ 100 đến 200 người hoặc hơn nữa vì số mất tích lên tới cả 300 người.

 

Và như thế đây là trận động đất nặng nề và gây thiệt hại nhân mạng lớn nhất trong lịch sử Tân Tây Lan.

 

Lệnh tình trạng khẩn cấp được ban hành. Tất cả mọi người bị cấm không được lai vãng trong trung tâm thành phố trừ nhân viên cấp cứu để bảo đảm an toàn cho nhân viên và tránh nạn hôi của.  Lệnh khẩn cấp cho phép bắt giam bất cứ ai tới khu vực này.

 

Đã có 6 người bị bắt vì lợi dụng tình trạng hổn độn mà đi hôi của.