Nước nào bỏ tù nhiều ký giả nhất trong năm 2019?

11 Tháng Mười Hai, 2019 | Tin thế giới
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và các nhà hoạt động cho tự do báo chí thắp nến tưởng niệm trước tòa dại sứ Ả rập Saudi tại Washington nhân một năm ngày nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại. (Ảnh chụp ngày 2/10/2019). Photo courtesy: Reuters

Con số nhà báo bị giam trên toàn thế giới vẫn gần mức cao kỷ lục, theo một cuộc thăm dò hàng năm được Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) công bố ngày 11/12. Theo đó, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út và Ai Cập là những nước bỏ tù nhiều ký giả nhất trên thế giới.

“Trong 4 năm liên tiếp, hàng trăm ký giả bị bỏ tù trên toàn thế giới giữa lúc những nhà độc tài như Tập Cận Bình, Recep Tayyip Erdoğan, Mohammad bin Salman, và Abdel Fattah el-Sisi không có chỉ dấu cho thấy nhẹ tay đối với truyền thông chỉ trích họ,” báo cáo của CPJ nhan đề Điều tra Trại giam 2019 cho biết.

Dù con số các nhà báo bị giam trên toàn thế giới giảm từ 253 còn 245 vào năm 2019, nhưng tổ chức theo dõi tự do báo chí có trụ sở tại New York này cho biết các nhà báo bị truy tố về tội loan tin “thất thiệt” hay “tin giả” tiếp tục leo thang.

“Con số nhà báo bị truy tố về tội ‘tin giả’ tăng lên thành 30 so với 28 vào năm ngoái,” báo cáo nói và giải thích là việc truy tố, hầu hết tại Ai Cập, “đã gia tăng mạnh kể từ năm 2012 khi CPJ phát hiện là chỉ có một nhà báo trên toàn thế giới bị truy tố.”

“Trong năm qua, những quốc gia áp bức trong đó có Nga và Singapore đã ban hành luật hình sự hóa việc đăng tải “tin giả.”

Cuộc thăm dò năm nay đánh dấu lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ không bị liệt kê là nước bỏ tù nhiều ký giả nhất thế giới tính từ năm 2015 tới nay, một phần vì Ankara bài trừ tất cả các hoạt động loan tin độc lập và phóng thích các nhà báo đang chờ xét xử hay kháng cáo.

Trung Quốc—đứng hàng thứ hai sau Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đàn áp truyền thông nhất trên thế giới trong nhiều năm—có 47 nhà báo bị tù, cùng con số của năm 2018, phần lớn là hậu quả từ việc các nhà báo nỗ lực ghi nhận có việc đàn áp rộng lớn tại Tân Cương nơi cự ngụ của sắc tộc thiểu số Uighurs đa số theo Hồi Giáo.

“Một trường hợp gần đây nhất tại Trung Quốc là bà Sophia Huang Xueqin, một nhà báo tự do trước đây là một nhà báo điều tra cho các hãng tin Trung Quốc. Bà bị bắt vào tháng 10 năm nay một ít lâu sau khi bà mô tả trên trang blog của bà việc tuần hành cùng với những người biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong như thế nào,” báo cáo cho biết.

Ả Rập Xê-út “nơi con số nhà báo bị tù tăng lên một cách đều đặn kể từ năm 2011,” báo cáo viết, hiện đang giam giữ 26 nhà báo giữa những tố cáo về nạn tra tấn tù nhân.

Hầu hết 26 nhà báo hiện bị giam tại Ai Cập, theo báo cáo của CPJ, bị xét xử tập thể, bị đưa tập thể ra trước các thẩm phán, thường bị truy tố về tội khủng bố và loan tin thất thiệt.

Các giới chức chính phủ Ai Cập, giống như các chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nga và Iran, thường cho rằng họ chỉ nhắm vào các nhà báo làm bất ổn đất nước họ.

Cuộc thăm dò năm 2019 của CPJ cũng nói Iran gia tăng việc giam giữ các nhà báo trong năm 2019, tương tự như Nga, với 7 nhà báo bị nhà nước giam giữ.

“Trong số 38 nhà báo bị giam tại tiểu vùng-Sahara châu Phi, nhiều nhất vẫn là tại Eritrea với hầu hết các nhà báo chưa từng nghe nhắc đến trong gần hai thập niên,” báo cáo nói và cho biết thêm là Cameroon là nước có thành tích tệ nhất trong số các nước châu Phi trong khi các bằng chứng về duy trì tự do ngôn luận xuống dốc tại Ethiopia và Nigeria.

Ba nhà báo bị giam tại châu Mỹ: ở Venezuela, Honduras và Cuba.

Việt Nam vẫn là quốc gia tại châu Á giam giữ nhiều nhà báo, chỉ sau Trung Quốc, với 12 nhà báo trong tù.

Thăm dò hàng năm của CPJ không bao gồm những nhà báo mất tích hay những người bị các tổ chức không phải là nhà nước giam giữ. Cuộc thăm dò chỉ tính các nhà báo bị chính phủ giam giữ tính tới ngày 1/12/2019.