Tân Thủ tướng Pakistan Gilani tuyên thệ với sự chứng giám của đối thủ Musharraf

25 Tháng Ba, 2008 | Tin thế giới

Hôm Chủ Nhật, một ngày trước khi quốc hội Pakistan họp để bầu Thủ tướng, Tổng thống Pervez Musharraf đã hứa sẽ hợp tác với chính phủ liên hiệp để mở đầu một tiến trình mà ông cựu Thủ tướng gọi là “một thời đại dân chủ thực sự”.

 

Ngày thứ Ba hôm qua, người đã bị Tổng thống Musharraf bỏ tù 5 năm từ năm 2001 đến 2006 vì cáo buộc hối lộ tham nhũng đã được ông Tổng thống chủ trì lễ nhậm chức Thủ tướng. Nhưng ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Gilani đã đánh ván bài nguy hiểm là quốc hội trong vòng 30 ngày sẽ phê chuẩn việc tái bổ nhiệm Chánh Án Tối Cao Pháp Viện Chaudhry và 60 quan tòa khác bị Tổng thống Musharraf cách chức vào cuối năm ngoái sau khi ban hành thiết quân luật.

 

Ông Gilani cũng sẽ tuyên bố sẽ cho mở một cuộc điều tra về cái chết của cố Thủ tướng Bhutto do Liên Hiệp Quốc chủ trì vì ông không tin vào kết quả cuộc điều tra do Tổng thống Musharraf tiến hành trước đây.

 

Quốc hội mới với các đảng đối lập chiếm đa số sau cuộc bầu cử vào tháng 2 vừa qua vẫn có khuynh hướng chống Tổng thống Musharraf, kể cả việc họ đang toan tính thủ tục đàn hặc viên cựu tướng từng đảo chính chính phủ của Thủ tướng Sharif vào năm 1999.

 

Tổng thống Musharaf (trái) dự lễ tuyên thệ của tân Thủ tướng Gilani

Tướng Musharraf là đồng minh của Mỹ sau vụ khủng bố 11.9 nhưng nghe nói gần đây Hoa Thịnh Đốn có vẻ nản lòng bởi ông Musharraf đã không hữu hiệu trong việc tiêu diệt bọn khủng bố Al Qaeda và Taliban.

 

Hoa Kỳ đã phái hai nhân vật cao cấp của Bộ Ngoại Giao là Thứ trưởng John Negroponte và phụ tá Ngoại trưởng Richard Boucher sang Pakistan ngay sau khi tân Thủ tướng Gilani mới nhậm chức. Tối hôm qua hai nhân vật cao cấp của Bộ Ngoại Giao Mỹ đã có buổi họp với Tổng thống Musharraf và sau đó với Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan là Tướng Ashfag Pervaiz Kayani.

 

Người ta nói rằng ngày trước, một khi đại sứ Cabot Lodge đi tới đâu là ở đó có đảo chánh, Phó Ngoại Trưởng Negroponte cũng nổi tiếng tương tự tại các nước Châu Mỹ La Tinh khi ông tới gặp các nhà độc tài để vỗ vai, cho họ biết giờ của họ đã điểm và nên rút lui.

 

Đã có những dấu hiệu Tổng thống Musharraf bớt xuất hiện trước công chúng trong mấy ngày qua vì quốc hội mới tỏ thù nghịch và chống đối ông, nhưng ông Tổng thống vẫn còn được sự hậu thuẫn của Tướng Kayani, một người được ông bổ nhiệm sau khi từ chức tư lệnh để hợp thức hóa chức vụ Tổng thống mà Tướng Musharraf vừa được bầu.

 

Hoa Kỳ rất nghi ngờ con người và vai trò của cựu Thủ tướng Sharif bởi vì ông này có cảm tình với các tổ chức Hồi Giáo cực đoan. Cả ông Sharif và Zardari, chồng của bà Bhutto nói họ sẽ chống khủng bố theo một đường hướng khác với Tổng thống Musharraf.

 

Chưa thấy có dấu hiệu gì là Hoa Kỳ không còn ủng hộ Tổng thống Musharraf.