Ý mở cửa 4 cảng biển cho Trung Quốc mặc cho Mỹ – EU cấp tập cảnh báo

20 Tháng Ba, 2019 | Tin thế giới
Trung Quốc đang có tham vọng mở rộng vào thị trường Châu âu. Photo courtesy: REUTERS/Damir Sagolj/File Photo

Ý đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành quốc gia G7 đầu tiên gia nhập Vành đai, Con đường khi các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Rome đã sẵn sàng cho việc kết nối 4 cảng biển đắc địa vào sáng kiến của Bắc Kinh.

Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết thỏa thuận về việc cho phép Trung Quốc đầu tư vào 4 cảng biển tại Ý dự kiến nằm trong chương trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông tới Rome trong tuần này để hội đàm với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.

Theo các nguồn tin trên, thành phố Genoa ở phía tây bắc, nơi có cảng biển lớn nhất của Ý, thông báo sẽ ký các thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc. Trong khi đó cảng Sicilian ở thành phố Palermo, nơi ông Tập Cận Bình dự kiến tới thăm vào cuối tuần này, là trọng tâm trong nỗ lực của Ý nhằm thu hút các hãng vận tải tàu Trung Quốc.

Nguồn tin cho biết dự án đầu tư vào Trieste và Ravenna, hai cảng ở phía bắc biển Adriatic, cũng nằm trong biên bản ghi nhớ của Ý với Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là một phần trong kế hoạch của Ý nhằm cạnh tranh với các cảng lớn tại châu Âu.

Chính quyền Ý từng nói rằng việc cho phép các công ty nhà nước Trung Quốc quản lý hoặc nắm cổ phần tại các cảng của Ý sẽ là chìa khóa để mở rộng hoạt động xuất khẩu.

Việc Italia mở rộng cánh cửa với Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc đã khiến Mỹ và Liên minh châu Âu lo ngại, khi một quốc gia G-7 ký kết các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc đại dự án của Trung Quốc, đưa lợi ích của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược như viễn thông và cảng biển.

Ông Moavero Milanesi cho biết chính phủ Italia cẩn thận theo dõi và bảo vệ các lĩnh vực chiến lược của mình, bao gồm quốc phòng và năng lượng.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 6/3 với tờ Financial Times, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italia Michele Geraci cho biết Rome đã lên kế hoạch ký kết một bản ghi nhớ hỗ trợ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng với Trung Quốc vào cuối tháng 3 này, thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Italia.

“Các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc, nhưng có khả năng nó sẽ kết thúc vào đúng chuyến thăm của Chủ tịch Tập”, ông Geraci nói trong cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng các sản phẩm ‘Made in Italia’ có thể sẽ thành công hơn khi được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới”.

Động thái này của Rome ngay lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ Mỹ. Washington cho rằng dự án của Trung Quốc không những không giúp ích cho nền kinh tế của Italia mà còn phá hủy nghiêm trọng hình ảnh của quốc gia này.

“Chúng tôi nghi ngờ rằng liệu quyết định của Italia có mang lại bất cứ lợi ích kinh tế nào với người dân Italia hay không hay cuối cùng sẽ chỉ làm ảnh hưởng tới danh tiếng của Italia trên trường quốc tế”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Garrett Marquis cho hay.

Ông Marquis nói thêm rằng giới chức Mỹ đang gia tăng quan ngại về cái mà ông gọi là ảnh hưởng tiêu cực về “ngoại giao cơ sở hạ tầng của Trung Quốc”, đồng thời thúc giục các đồng minh và đối tác của Washington, trong đó có Rome thúc ép Bắc Kinh điều chỉnh các nỗ lực đầu tư toàn cầu của họ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Sau thông báo của Italia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói các nước liên minh châu Âu cần có một cách tiếp cận “phối hợp” trong vấn đề Trung Quốc.

“Thật tốt khi Trung Quốc tham gia vào sự phát triển của nhiều quốc gia, nhưng tôi tin vào tinh thần bình đẳng, có đi có lại. Tinh thần bình đẳng có nghĩa là tôn trọng chủ quyền của các quốc gia”, ông Macron nói.

Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đang dồn rất nhiều nguồn lực cho sáng kiến Vành đai và Con đường với cam kết đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 80 quốc gia khắp các lục địa Á, Âu, Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia châu Âu cáo buộc chương trình này đang tạo ra bẫy nợ cho những nước tham gia, đặc biệt là các nước nghèo và được sử dụng để mở rộng ảnh hưởng chiến lược và quân sự của Bắc Kinh.

Lập trường này của Italia có phần đối lập với Đức, Pháp, 2 quốc gia này đang thúc đẩy các tiêu chí sàng lọc khó khăn hơn đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.