5 người tử vong vì bệnh dại tại Đắk Lắk

01 Tháng Bảy, 2020 | Tin Việt Nam

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại, sau khi bị chó cắn.

Báo trong nước loan tin ngày 1/7, dẫn phát biểu bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk.

Tin cho biết, trường hợp tử vong mới đây nhất là ông N.V.N, sinh năm 1958, trú thôn 20, xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk. Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 23/6, với triệu chứng sợ nước, sợ gió, ăn uống khó, nuốt nghẹn. Các triệu chứng trên biểu hiện rõ rệt hơn và 3 ngày sau bệnh nhân tử vong.

CDC Đắk Lắk ngay sau đó đã phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh điều tra, xử lý và tiêm phòng vắc xin cho đàn chó tại thôn 20, xã Ea Riêng, M’Đrắk.

Thống kê của CDC Đắk Lắk, toàn tỉnh có 5 trường hợp tử vong do bệnh dại sau khi bị chó cắn trong năm 2019.

Vẫn liên quan đến tình hình sức khỏe người dân, dịch bệnh bạch hầu được dự đoán có nguy cơ bùng phát trở lại với người mắc bệnh chủ yếu sẽ là trẻ trên 10 tuổi và người lớn.

Báo trong nước dẫn lời TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia loan tin ngày 1/7.

Hiện cả nước đã ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, chủ yếu ở Đắk Nông, 1 trường hợp ở Kon Tum và 1 trường hợp ở TP. Hồ Chí Minh.

TS. Đặng Thị Thanh Huyền cho biết hầu hết các ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin phòng bệnh; trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi những vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân được nói là các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm xuống.

Vì vậy, để khống chế được tốt bệnh bạch hầu trong thời gian tới, việc tiêm nhắc lại cho trẻ lớn trong giai đoạn 7 tuổi cũng như tiêm vắc xin cho người lớn là rất quan trọng. Ngoài ra cũng cần cho người dân hiểu việc đi tiêm vắc xin là những biện pháp đảm bảo đầy đủ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo người dân cần tiêm đủ 5 mũi phòng bệnh bạch hầu để đảm bảo hiệu quả miễn dịch, thậm chí nhiều quốc gia còn khuyến cáo tiêm 6 mũi, một số quốc gia cứ 10 năm lại tiêm nhắc lại 1 mũi để đảm bảo phòng bệnh.

Theo thống kê, thời gian gần đây bệnh bạch hầu có dấu hiệu tăng lên; riêng trong năm 2019, Việt Nam cũng đã ghi nhận 50 trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở 7 tỉnh, thành.