Chính thức quy hoạch Vân Đồn là khu kinh tế biển đa ngành

18 Tháng Hai, 2020 | Tin Việt Nam
Khu Vân Đồn. Photo courtesy: Thanhnien

Vân Đồn được chính thức quy hoạch đến năm 2040 thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực; là cửa ngõ giao thương quốc tế, theo quyết định số 266/QĐ-TTg được Chính phủ ban hành hôm 17 tháng 2 và truyền thông trong nước loan tin hôm 18 tháng 2.

Theo đó, Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có sòng bạc, du lịch biển – đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Quyết định nêu rõ, đến năm 2030, Vân Đồn dân số khoảng 140.000-200.000 người, nhu cầu đất sử dụng khu chức năng khoảng 5.500ha. Đến năm 2040, dân số tăng lên khoảng 300 – 500.000 người, nhu cầu sử dụng đất khu chức năng 12.050ha.

Theo quy hoạch được công bố thì huyện Vân Đồn sẽ phát triển đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến văn hóa, giáo dục, dịch vụ thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, thể thao y tế, giao thông…

Vào ngày 14 tháng 11 năm 2019, Chính phủ ra Nghị quyết 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết này có hiệu lực trong cùng ngày. Mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam; là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; phấn đấu là thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên.

Năm 2018, Chính phủ Hà Nội đã chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Dự luật đặc khu, để trình Quốc hội xem xét. Ba đặc khu gồm Vân Đồn ở Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Nhiều cuộc biểu tình chống Dự luật đặc khu đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước vào tháng 6 năm 2018 khiến Chính phủ phải ngừng việc đưa dự luật ra Quốc hội. Những người phản đối dự luật lo ngại nếu được thông qua, luật mới sẽ cho phép người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam tại những địa điểm trọng yếu.