Để khắc phục hậu quả bão/ lũ, Thủ tướng cấp thêm 670 tỷ đồng/ADB viện trợ 2,5 triệu USD

25 Tháng Mười Một, 2020 | Tin Việt Nam
Hình minh hoạ. Một người đàn ông nhìn cắn nhà mình bị chôn vùi trong đống đổ nát và đất sau lũ do bão Goni gây ra ở thị trấn Daraga, tỉnh Albay, Philippines hôm 1/11/2020. Photo courtesy: REUTERS

Thủ tướng Việt Nam quyết định cấp thêm 670 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Theo truyền thông Nhà nước hôm 25 tháng 11, số tiền này được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cấp cho 9 địa phương để khắc phục hậu quả do bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020 gây ra.

Trong đó, Nghệ An 50 tỷ đồng, Hà Tĩnh 50 tỷ đồng, Quảng Bình 50 tỷ đồng, Quảng Trị 70 tỷ đồng, Thừa Thiên – Huế 50 tỷ đồng, Quảng Nam 130 tỷ đồng, Quảng Ngãi 150 tỷ đồng, Bình Định 70 tỷ đồng và Kon Tum 50 tỷ đồng.

Thủ tướng giao UBND các tỉnh trên có trách nhiệm sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước, bảo đảm đúng đối tượng, chế độ, định mức quy định.

Đối với kinh phí thực hiện các dự án đầu tư mang tính chất lâu dài, các địa phương bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.

Cũng liên quan việc cứu trợ, chiều 24 tháng 11, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký thỏa thuận viện trợ quốc tế khẩn cấp không hoàn lại trị giá 2,5 triệu USD cho Việt Nam nhằm giúp một số tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do bão. Khoản viện trợ này được trích từ Quỹ Ứng phó Thảm họa Châu Á – Thái Bình Dương của ADB, được thành lập nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.

Ttruyền thông Nhà nước dẫn phát biểu tại lễ ký kết của ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam rằng: “Xét đến tính chất cấp bách và phức tạp với sự tham gia của nhiều tỉnh, để khoản vay hỗ trợ khẩn cấp được phê duyệt và nhanh chóng triển khai một cách có hiệu quả, điều quan trọng là phải có quy trình và thủ tục đặc biệt, trong đó có việc Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu mối, thực hiện và chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối và quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai”.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đợt thiên tai vừa qua khốc liệt hơn đợt thiên tai lịch sử năm 1999 xảy ra ở miền Trung. Chỉ trong hơn 20 ngày kể từ ngày 10 tháng 10, đã có bốn cơn bão liên tiếp ập vào các tỉnh miền trung, trong đó bão số 9 có cường độ mạnh nhất trong 20 năm qua, lượng mưa cũng lớn hơn cơn bão năm 1999.