Diệt sạch tham nhũng thì còn ai làm để việc? Bắt giam hai nhà báo, truy tố luôn cục trưởng Điều tra

13 Tháng Năm, 2008 | Tin Việt Nam

 


Tin từ Việt Nam cho biết khác với hai ông nhà báo, ông cựu tướng không bị bắt giam mà được phép trở về nhà.


Tướng Quắc nổi tiếng là người từng lãnh đạo triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm như vụ Minh Samasa ở Khánh Hòa, Cu Nên ở Hải Phòng, Khánh Trắng tại Hà Nội. Ông Quắc cũng là Phó trưởng ban chuyên án phá đường dây tội ác Năm Cam.


Trong vụ án PMU 18 –một vụ án tham nhũng nổi tiếng đến độ các nước đầu tư và viện trợ cho VN cũng theo dõi –ông Quắc là người trực tiếp chỉ huy việc điều tra, làm rõ và đề nghị truy tố tội đánh bạc và chạy án của Bùi Tiến Dũng. Khi vụ án PMU 18 đang trong giai đoạn mở rộng, Cục C14 thực hiện lệnh bắt tạm giam Trần Văn Thuyết, một kẻ bị tình nghi chạy án cho Bùi Tiến Dũng đến các cơ quan bảo vệ pháp luật (Thuyết bỏ trốn), ông Quắc phải nghỉ hưu (khi đó ông 60 tuổi).


Theo báo Thanh Niên, trong thời gian làm Cục trưởng Cục C14, ông Quắc khá cởi mở với báo chí. Nhiều khi phóng viên theo dõi mảng nội chính, trong đó có các phóng viên Báo Thanh Niên,  có thể vào phòng Cục trưởng của ông uống nước chè, nghe ông kể chuyện đánh án. Đôi khi, ông Quắc cũng trao đổi với phóng viên qua điện thoại.


Trong khi đó, thượng tá Đinh Văn Huynh (SN 1958 tại Thái Bình), Trưởng phòng 9, C14 là người tham gia quá trình điều tra từ đầu vụ PMU 18. Phòng 9 là phòng đảm nhiệm quá trình điều tra chủ đạo như lấy lời khai, xác minh vụ việc (một số phòng khác phụ trách mảng trinh sát).


Trong thời kỳ hậu PMU 18, ông Phạm Xuân Quắc và ông Đinh Văn Huynh bị tình nghi đã cung cấp thông tin mật (thông tin trong quá trình điều tra) cho báo chí. Tuy nhiên, khi trả lời báo chí, ông Quắc giải thích: “Khi làm vụ PMU 18, tôi đã sắp nghỉ hưu rồi, tôi chỉ muốn làm rõ vụ việc, chứ tôi có động cơ gì, vì mục đích gì, tôi sắp về hưu rồi thì còn vì động cơ gì?”.


Theo báo VnExpress, quyết định khởi tố Tướng Quắc ký ngày 12/5/08. Sau 12 năm giữ cương vị Cục trưởng C14 tháng 12/2006 Tướng Quắc nghỉ hưu theo quyết định của Thủ tướng, lúc 60 tuổi.


 


Việc khởi tố ông Quắc diễn ra cùng ngày với quyết định tạm giam thượng tá Đinh Văn Huynh và hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên). Như ông Quắc, cả 3 người cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.


 


Trong thông báo ngày 13/5, thiếu tướng Thanh Hoa (người phát ngôn Bộ Công an) cho rằng, cơ quan điều tra đã đủ căn cứ xác định việc đưa tin sai sự thật về vụ án là do một số cán bộ điều tra và phóng viên.


 


Theo Bộ Công an, trong quá trình điều tra vụ án: “Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc” và “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ; tham ô tài sản tại Ban quản lý dự án PMU 18”, đã có nhiều báo đưa tin liên quan đến cán bộ tiêu cực, tham nhũng, chạy án, hối lộ… Trong đó, có bài: “Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng” (báo Thanh Niên). Ngay sau bài báo này, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra làm rõ. Kết quả điều tra cho rằng, có những thông tin đưa lên báo không đúng sự thực, trong đó có tin đang trong quá trình điều tra, có tin không có trong hồ sơ vụ án…


 


Do đó, ngày 22/3/2007, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân (điều 258 Bộ luật Hình sự) và cố ý làm lộ bí mật nhà nước (điều 263). Hàng loạt phóng viên nội chính của các báo đã bị gọi hỏi để làm rõ về quy trình tác nghiệp, cũng như việc sử dụng các nguồn tin để viết bài trong vụ PMU 18. Trong số này có nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến.


 


Trong quá trình điều tra, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc với tư cách Trưởng ban chuyên án, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, là một trong những người cung cấp thông tin cho báo chí.


 


Theo báo Thanh Niên số ra ngày 13/5, trước khi viết bài: “Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng”, phóng viên Nguyễn Việt Chiến đã gặp thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, tại phòng làm việc của ông này. Tại đây, ông Quắc cho biết, Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho vài chục người. Qua xác minh từ điều tra viên, phóng viên Việt Chiến được biết số người mà Bùi Tiến Dũng tung tiền chạy án lên tới gần 40 người. Đối chiếu với


 


 thông tin của tướng Quắc, phóng viên Việt Chiến viết bài: “Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng”.


Sau khi bài báo đăng, ngày 17/4/2006, tướng Quắc có gặp ban biên tập báo và cho rằng: thông tin này không đúng. “Nếu các cậu nói Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho hàng chục người thì không sao, nhưng nói đưa tiền chạy án cho 40 người là không đúng” (Thanh Niên). Một ngày sau Báo Thanh Niên đã đính chính với nội dung, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc phủ nhận thông tin nói trên.


* * *


Vụ việc bắt giữ và truy tố  hai nhà báo và hai nhân vật cao cấp của công an điều tra xảy ra sau khi cựu Thứ trướng Bộ Giao Thông Nguyễn Việt Tiến –một nhân vật chính trong vụ tham nhũng PMU 18– được trả tự do và miễn truy tố.


 


Báo chí ở Việt Nam được lệnh viết theo chỉ thị, mấy năm gần đây tuy vẫn bị cấm triệt để không được bàn hay đụng đến chính trị, nhưng được phép và có lúc được khuyến khích chống tham nhũng (như bởi cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt).


 


Nhưng bởi vì vụ tham nhũng PMU 18 có dính dáng quá nhiều người, không phải chỉ có người có chức cao bị bắt như ông thứ trưởng Bộ Giao Thông, nên vụ bắt giam các nhà báo và truy tố các quan chức điều tra đã xảy ra.


 


Nếu sự phản ứng của công chúng và báo chí quá mạnh để những người này được miễn bị truy tố, thì đây sẽ là một sự răn đe đối với những ai muốn vuốt… râu hùm.