Dư luận trong nước xôn xao vụ mỗi ngày Học viện Khoa học xã hội cho “ra đời một tiến sĩ”

25 Tháng Tư, 2016 | Tin Việt Nam

 

Học viện Khoa học Xã hội. Photo Courtesy: Xuân Trung

Trước những thông tin đang gây xôn xao dư luận xã hội về “lò đào tạo tiến sĩ”, “1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ”… Học viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức họp báo về việc này.

Gần đây, thông tin được người dùng Facebook phân tích từ website của Học viện Khoa học Xã hội đã khiến dư luận xôn xao. Theo đó,thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công, năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ.

Cụ thể, trong năm 2015, từ 1.1 đến 31.12, Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ.

Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350.”Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ”, người này nhận xét.

Bên cạnh đó, một số đề tài được người dùng Facebook mổ xẻ và cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ là”đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”,hay “Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề”…

“Chỉ tiêu còn quá ít”

 

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội họp báo để thông
 tin về “Lò đào tạo tiến sĩ”. Photo Courtesy: NLĐ

GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, cho hay hiện học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành TS. Số giảng viên của học viện là 412, trong đó có 19 giáo sư, 175 phó giáo sư, còn lại là TS. Học viện cũng vận động giảng viên có trình độ TS trở lên ở các trường trên cả nước tham gia giảng dạy, nâng tổng số giảng viên lên trên 2.000 người.

Theo ông Vinh, căn cứ số chỉ tiêu TS với cơ sở đa ngành thực hiện đào tạo nhân lực cao, lại là cơ sở duy nhất trong cả nước chỉ đào tạo thạc sĩ và TS về khoa học xã hội, thì con số 350 chỉ tiêu/năm còn khiêm tốn! Chỉ tiêu hằng năm của học viện là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu.

Ông Vinh khẳng định: “So với khả năng hiện có, chúng tôi còn có thể đào tạo số lượng nghiên cứu sinh nhiều hơn. Một số ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng thực tế số chỉ tiêu đào tạo TS vẫn còn ít ỏi”.

Chia sẻ về quy trình đào tạo TS của học viện, GS Vinh nhấn mạnh quy trình rất chặt chẽ. Việc bảo vệ đề tài của nghiên cứu sinh phải đúng niên hạn. Nghiên cứu sinh nào không làm đúng sẽ gửi trả về, nếu học lại sẽ phải đúng 3 năm và đó là thành công trong đào tạo TS của học viện. “Tổng đào tạo trong 3 năm là hơn 1,000 nghiên cứu sinh, trong đó số lượng trả về và không quay trở lại khoảng 10%, khoảng 20% bảo vệ quá hạn, số còn lại đúng hạn” – ông Vinh cho hay.

“Nịnh” và “giao tiếp của chủ tịch xã” thành luận án TS

 

Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc học viện Khoa học xã hội (người đứng) đang
trả lời báo chí tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 22.4. Photo Courtesy: Hoa Ban

Liên quan đến hai đề tài khiến dư luận xôn xao là Hành vi nịnh trong tiếng ViệtĐặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã, lãnh đạo các Viện liên quan cũng đã có trao đổi cụ thể với báo chí.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, đề tài nghiên cứu về hành vi nịnh trong tiếng Việt là đề tài tốt. Hành vi này có những đặt trưng riêng cho nhân loại, có những đặc trưng riêng cho văn hóa. Nghiên cứu trong từng bối cảnh cụ thể và có sự so sánh để thấy sự khác biệt.

Ông Hiệp khẳng định: “Không nên đánh giá nịnh theo nghĩa dung tục theo cách hiểu xã hội mà cần quan sát theo góc độ xã hội học. Hành vi nịnh của người Việt có cái chung và cái riêng góp phần vào ngôn ngữ thế giới. Cũng theo ông Hiệp, chất lượng của đề án khá tốt. “Tôi đang đề nghị chị Huệ làm sách. Đề tài có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, để ngăn trừ nịnh phải biết và hiểu. Nếu nghi ngờ chất lượng xin Bộ hậu kiểm”.

Còn đề tài Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã, ông Vũ Dũng, Viện trưởng Viện tâm lý học khẳng định: Đây là đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất tốt. Ông Dũng viện dẫn, hiện nay, Việt Nam có 11,164 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương có bấy nhiêu chủ tịch xã. “Số lượng cán bộ đơn vị cấp cơ sở lớn như vậy có đáng để nghiên cứu không?Còn tại sao lại là chủ tịch xã mà không huyện, tỉnh, trung ương? Bởi vì xã là cấp chính quyền cuối cùng, gần dân nhất, trực tiếp với dân, triển khai chủ trương chính sách đến với dân. Chủ trương đến được với dân không là nhờ cấp xã. Trong thời gian gần đây mọi người nói đến một số hạn chế của cán bộ cơ sở như quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu… Những hành vi này không nói cảm tính được mà phải có nghiên cứu thực chứng” – ông Dũng chia sẻ.

Theo Dân Việt, NLĐ, Tiền Phong