Hai Bộ trưởng bị chất vấn về 5 dự án đường sắt đô thị bị đội vốn trên 80.000 tỷ

15 Tháng Tám, 2019 | Tin Việt Nam
Bảng hướng dẫn các trạm dừng của đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Photo courtesy: RFA

Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư bị truy trách nhiệm về 5 dự án đường sắt đô thị bị đội vốn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15/8.

Báo trong nước loan tin trong cùng ngày.

Trong buổi họp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình nêu lên thực trạng chậm tiến độ, bị đội vốn khi triển khai 5 dự án đường sắt sử dụng vốn vay ODA tại Hà Nội và Sài Gòn.

Từ đó, ông Bình yêu cầu Bộ trưởng Tài chính giải thích để xem trách nhiệm thuộc về bên nào, đồng thời cần thêm Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư bổ sung thêm thông tin về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi ông Bình đưa ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá trách nhiệm trước hết do các chủ đầu tư vì đã giao dự toán và kế hoạch chậm khiến giải ngân chậm. Thêm vào đó, quá trình điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng cũng kéo dài tiến độ dự án.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng trách nhiệm cũng thuộc về các bộ ngành liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính nhận định các dự án đầu tư công đang bị cách quản lý chồng chéo bởi các ban ngành. Theo Luật quản lý nợ công sửa đổi, Bộ Tài chính chỉ được giao đàm phán, ký kết các hiệp định trong khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư lại nhận trách nhiệm phân bổ, chủ trương đầu tư…

Còn theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân các dự án đường sắt chậm tiến độ do “năng lực tư vấn, quản lý chưa theo kịp với dự án đường sắt đô thị đầu tiên Việt Nam thực hiện”.

Thống kê từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra cho thấy 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM hiện đang đội vốn hơn 81.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án ở TP HCM là tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương tăng vốn đầu tư so với phê duyệt ban đầu nhiều nhất, hơn 51.700 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Hà Nội, 3 dự án Nhổn – Ga Hà Nội; Cát Linh – Hà Đông; và Yên Viên – Ngọc Hồi bị đội vốn gần 30.000 tỷ đồng.