Khi ông nhạc sĩ mần kinh doanh: vì đặt tên “Tang Toc” cho hãng hàng không nên cứ mãi chần chừ

18 Tháng Tám, 2008 | Tin Việt Nam

 









Nhạc sĩ Hà Dũng: Hãng Hàng không Tăng Tốc  hay…  Tang Tóc? 


 


(TH – 19.8.08) – Thông thường nhạc sĩ không phải là người làm kinh doanh. Nếu nổi tiếng và làm ra tiền bằng nghề nhạc thời phải có ông bầu, có manager lo chuyện tiền nong, đầu tư. Ông nhạc sĩ Hà Dũng lại làm ăn lớn, bằng cách lập một hãng hàng không tư, nhưng vì đặt cái tên hãng Tăng Tốc, mà khi viết bằng tiếng Anh không có dấu là Tang Toc, có thể đọc nhầm thành… Tang Tóc.


 


Mới ra quân trên giấy tờ mà đã có… sự cố! Chuyện hãng Tăng Tốc của nhạc sĩ bị đọc thành Tang Tóc rất có thể gây ấn tượng mạnh với các hành khách. Bởi vậy đã được chính phủ cho phép từ tháng 5, nhưng hãng Tăng Tốc của ông nhạc sĩ đi như…  con rùa, chưa tới đâu cả!  Sợ xui với cái nên ông nhạc sĩ đang tìm cách… đổi tên.


 


Cuối tháng 12 năm 2007, hãng hàng không tư nhân đầu tiên có tên Vietjet Air do một nhóm doanh nhân thành lập chính thức được trao giấy phép hoạt động. Hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng là hãng hàng không tư nhân thứ hai tại Việt Nam.


 


Đề án thành lập hãng hàng không tư nhân Air Speed Up được Cục Hàng không VN thông qua hồi tháng 3 vừa rồi.


 


Chuyến bay thương mại đầu tiên nối Hà Nội – TP HCM dự kiến sẽ thực hiện vào cuối năm nay. Hãng sẽ hoạt động theo mô hình hàng không chi phí thấp, tức là sẽ cắt giảm tối đa chi phí để đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng. Hà Dũng nói: “Mô hình của chúng tôi sẽ không phải là giá rẻ như Pacific Airlines mà là giá phổ thông nhưng chất lượng cao”.


 


Theo nhạc sĩ Hà Dũng, giá vé dự kiến sẽ có hai mức, hạng phổ thông và hạng thương gia theo đúng khung mà Bộ Tài chính phê duyệt với mức trần là 1.7 triệu cho chặng nội địa. Trong giai đoạn đầu, hãng sẽ tập trung vào những đường bay chính trên trục nội địa như Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, sau đó sẽ mở rộng ra thị trường quốc tế.


 


Theo tin từ VnExpress, nhạc sĩ Hà Dũng vừa đặt vấn đề mua lại thương hiệu Viet Airways mà Jetstar Pacific Airlines đang sở hữu để thay cho cái tên bị coi là mang nhiều yếu tố không may mắn, Air Speed Up (Tăng Tốc, tiếng Việt không dấu là Tang Toc).


 


Viet Airways là thương hiệu do hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific Airlines) sở hữu từ năm 2006 đến nay. Nếu đàm phán thành công thì đây sẽ là thương vụ mua bán thương hiệu giữa hai hãng hàng không nội địa đầu tiên tại VN.


 


Hãng hàng không Speed Up (Tăng tốc) do Nhạc sĩ Hà Dũng đứng tên và làm chủ được Chính phủ đồng ý cấp giấy phép từ hồi trung tuần tháng 5. Thế nhưng gần nửa năm trôi qua, ông Dũng vẫn chưa tính đến chuyện quảng bá hình ảnh ra công chúng chỉ vì… vướng cái tên.


 


Speed Up – Tăng Tốc nếu hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và chỉ dành cho người dân trong nước thì chẳng có gì để nói. Thế nhưng khi chuyển đổi sang cách viết của tiếng Anh thì từ “Tăng Tốc” biến thành “Tang Toc” và dễ bị suy luận thành từ “Tang Tóc”.


 


Theo nhạc sĩ Hà Dũng, so với Air Speed Up, Viet Airways tuy không phải là cái tên “nổi đình nổi đám” trong ngành hàng không, song theo ông Hà Dũng nó dễ gọi, dễ nhớ, gần gũi và dễ nhận biết đây là hãng hàng không của Việt Nam.


 


Trao đổi với VnExpress, phía Jetstar Pacific Airlines cho biết đã nhận được lời đề nghị từ phía nhạc sĩ Hà Dũng. Tuy nhiên, hãng chưa có ý kiến chính thức về việc có nhượng lại thương hiệu Viet Airways này hay không. Bởi theo quy định của hãng, thương hiệu là tài sản sở hữu trí tuệ, việc mua bán hoặc nhượng quyền tài sản đó phải được Hội đồng quản trị và các cổ đông chấp thuận.


 


Sở dĩ Pacific Airlines có “của để dành” này là vì năm 2005, khi đang đàm phán bán cổ phần cho một đối tác đầu tư nước ngoài, Pacific Airlines đã tới tính việc “tự làm mới mình” bằng một thương hiệu khác để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Hãng đã thuê một chuyên gia thương hiệu hàng không xây dựng và thiết kế thương hiệu Viet Airways. Sau đó, thương hiệu này đã được đăng ký bảo hộ bản quyền trên phạm vi toàn cầu với Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam.


 


Tuy nhiên, sau khi Qantas Airways của Australia đầu tư vốn vào Pacific Airlines, hãng đã quyết định mua quyền sử dụng thương hiệu Jetstar (hãng hàng không giá rẻ thuộc Qantas) thay cho việc đầu tư vào một thương hiệu mới. Jestar Pacific Airlines tiếp tục giữ bản quyền với cả hai thương hiệu Pacific Airlines và Viet Airways.