Luật đặc khu: Chính phủ Việt Nam sẽ thực sự ‘xin’ ý kiến người dân?

12 Tháng Bảy, 2018 | Tin Việt Nam
Người dân trong nước biểu tình vào sáng Chủ Nhật, 17.6, chống dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Photo courtesy: Reuters

Sau nhiều cuộc biểu tình gần đây trên khắp cả nước phản đối dự luật đặc khu kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 10.7 cho biết chính phủ Việt Nam sẽ ‘xin ý kiến rộng rãi’ trong nhân dân về dự luật gây tranh cãi này trước khi trình quốc hội.

Dự thảo luật, trong đó có điều lệ cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất lên tới 99 năm trên lãnh thổ Việt Nam tại 3 đặc khu hành chính-kinh tế nằm ở các vị trí trọng điểm, đã được đưa ra Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ 5 vào tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên vài ngày trước khi các đại biểu dự kiến ‘bấm nút’ thông qua dự luật mà nhiều người dân và các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ cho Trung Quốc cơ hội xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp, các cuộc biểu tình bùng nổ trên cả nước và sau đó là ở nhiều thành phố trên thế giới nơi có người Việt sinh sống.

Ngày 11.6, Quốc hội đã biểu quyết đồng ý lùi dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trước những phản đối của người dân.

Theo truyền thông trong nước, trong cuộc họp ngày 10.7 với Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) mà Thủ tướng Phú là trưởng ban, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói sẽ ‘xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân trước khi trình Quốc hội’ thông qua dự luật này. Tuy nhiên, Thủ tướng Phúc không cho biết chính phủ sẽ xin ý kiến người dân như thế nào.

Trước đó, để xoa dịu sự giận dữ của người dân, Thủ tướng Phúc hôm 7.6 đã tuyên bố sẽ thay đổi điều lệ của dự luật này, trong đó giảm thời gian cho thuê đất từ 99 năm xuống 77 năm.

Những gì người dân lo lắng không chỉ là thời hạn thuê đất mà là những ưu đãi trong luật cho các nhà đầu tư ở đặc khu kinh tế và họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia.

Theo VOA Tiếng Việt