Một người Việt làm việc cho chính phủ Đức bị điều tra

12 Tháng Tám, 2017 | Tin Việt Nam
Trịnh Xuân Thanh đứng chụp hình phía sau một chuyến xe buýt chứng minh ông ta đang ở Âu Châu hồi Tháng Mười Một 2016. (Hình: Bùi Thanh Hiếu Blogspot)

Bài báo trên tạp chí Der Spiegel (Tấm Gương) về việc công an Đức điều tra một người của Văn phòng Liên bang Di trú và Tị nạn trong lúc công tố liên bang điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Trong khi các công tố viên liên bang Đức điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì tạp chí Der Spiegel và nhật báo Taz cùng lúc đưa tin về khả năng một người Việt đang làm việc trong guồng máy chính phủ Đức có liên đới trong vụ việc này.

Der Spiedel và Taz nhắc đến một người có tên Ho Ngoc Thang, một nhân viên của Văn phòng Liên bang về Di trú và Tị nạn Đức (Bamf), đang bị điều tra.

Người đàn ông này, có tên Hồ Ngọc Thắng trên Facebook, thừa nhận ông đang bị công an Đức điều tra. Trên trang Facebook cá nhân, ông Thắng đăng tải hình chụp tờ công văn của Bamf buộc ông nghỉ việc từ ngày 9.8.2017 cho đến khi kết thúc điều tra. Ông Thắng cho biết công an Đức “kiểm tra PC (máy tính cá nhân)” của ông tại cơ quan để xem ông “có đọc hồ sơ điện tử của Trịnh Xuân Thanh (TXT) hay không.”

Với bài viết có tiêu đề “Người Cộng sản trong Văn phòng Liên bang”, nhật báo Taz cho biết ông Thắng là người nắm các hồ sơ của người xin tị nạn ở Đức, trong khi tạp chí Der Spiegel tường thuật rằng ông Thắng, trong tư cách một nhân viên của Bamf, có thể tiếp cận các hồ sơ nhạy cảm của những người đang xin tị nạn, và cả sổ đăng ký trung tâm của những người nước ngoài.

Bài viết trên nhận báo Taz với tựa đề “Người Cộng sản trong Văn phòng Liên bang” cho biết ông Hồ Ngọc Thắng là người nắm giữ các hồ sơ của người xin tị nạn ở Đức. Trịnh Xuân Thanh gửi hồ sơ xin tị nạn ở Đức trước khi bi bắt cóc đưa về Việt Nam.

Theo Der Spiegel, ông Thắng đã đưa thông tin tỉ mỉ về sự biến mất của TXT trên trang Facebook cá nhân từ tháng 10/2016, và phỏng đoán rằng ông Thanh đang ở Đức. Tạp chí chính trị ra hàng tuần với lượng phát hành lớn nhất châu Âu đặt câu hỏi: liệu ông Thắng có những “thông tin mà người khác không biết”?

Ông Thắng từng theo học ngành luật ở Đại học Friedrich Schiller tại Jena của Đức và đã làm việc cho Văn phòng Liên bang về Di trú và Tị nạn Đức 27 năm. Trên Facebook, ông khẳng định “do yêu cầu công việc tại cơ quan” ông “được phép đọc tất cả các hồ sơ tị nạn của người nước ngoài và hồ sơ người người nước ngoài cư trú ở Đức,” nhưng phủ nhận việc “động tới hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh.”

Hai tờ báo của Đức đều biết ông Thắng có nhiều bài viết ca ngợi chính quyền Việt Nam trong khi chỉ trích chính phủ Đức đăng trên trang Facebook cá nhân.

Trong bài viết có tựa đề “Quan hệ ngoại giao Đức-Việt sẽ ra sao sau vụ TXT?” đăng ngày 4/8, ngay sau khi Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc TXT và Bộ Ngoại giao Việt Nam nói “lấy làm tiếc” về thông cáo đó, ông Thắng lập luận: “chính phủ Đức không thể đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy ông TXT bị bắt cóc.” Ông Thắng còn viết “tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà luật sư đại diện cho TXT trong thủ tục xét tị nạn.”

Nhật báo Taz nhận định bài viết này của ông Thắng cho thấy ông muốn “khuyên chính phủ Đức chấm dứt vụ việc này” bởi ông cho rằng “sự kiện TXT sẽ chìm trong lãng quên.”

Nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quốc Dũng của Veto! – mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền – được nhật báo Taz trích lời nói rằng những giấy tờ mà ông Thanh nộp trong hồ sơ xin tị nạn có thể giờ đây sẽ được dùng để chống lại ông ta ở Hà Nội trong vụ xử theo luật hình sự.

Theo VOA Tiếng Việt