Nước mặn đã xâm nhập đến 13 tỉnh, thành Đồng Bằng Sông Cửu Long

14 Tháng Hai, 2020 | Tin Việt Nam
Hàng chục ngàn hộ dân ở ĐBSCL đang gặp khó khăn do hạn mặn. Photo courtesy: congthuong.vn

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn (BCH) tại thành phố Cần Thơ cho biết hôm 14/2 là 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bị nước biển xâm nhập, sớm hơn một tháng so với đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2016.

Cụ thể, BCH thông báo độ mặn 3.5%0 đã lên đến rạch Cái Cui –điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang, thuộc Phường Tân Phú, Quận Cái Răng, và đã xâm nhập vào các kênh rạch nội đồng ven sông Hậu.

Trước đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã thông báo nguồn nước đổ về đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) mùa khô năm 2019-2020 sẽ thấp hơn so với những năm trước. Đồng thời, các đập thủy điện Trung Quốc xả thấp, nguồn nước về thấp do đó Viện dự báo mặn sẽ thâm nhập sâu tại ĐBSCL trong tháng 2/2020.

Để đối phó với tình hình trên, BCH Cần Thơ đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân lấy nước sinh hoạt, sản xuất phù hợp để không ảnh hưởng đến đời sống.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết dự báo đến ngày 16/2 xâm nhập mặn trên sông Hậu sẽ đạt mức cao.

Theo truyền thông trong nước loan tin, hiện hạn hán và xâm nhập mặn đang gây thiếu nước nghiêm trọng ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL, khiến 3.600 héc ta lúa ở huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng có nguy cơ mất trắng; 26 ngàn hộ dân ở tỉnh này cũng đang thiếu nước sạch sử dụng.

Tại Trà Vinh hơn 10,000 hecta lúa đông xuân thiếu nước tưới, khả năng mất trắng 50%. Tỉnh Bến Tre cũng đang bị nước mặn xâm nhập khiến hoạt động sản xuất và đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng.

Được biết, hiện chỉ còn tỉnh Đồng Tháp chưa bị nước mặn xâm nhập.

Nguyên nhân được xác nhận là do đầu tháng 2 lượng nước sông Mekong về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm, cộng với triều cường và gió mùa đông bắc làm cho độ mặn trên các sông Tây Nam Bộ lên cao.

Cũng trong ngày 14/2, trước tình trạng nước mặn từ cửa sông thuộc hệ thống sông Tiền và Hàm Luông lấn sâu đe dọa vùng trồng cây ăn trái của Cai Lậy, UBND huyện Cai Lậy, Tiền Giang đã quyết định đầu tư khẩn cấp 7,6 tỷ đồng cho các xã thi công khẩn cấp công trình phòng, chống xâm nhập mặn.