Phiên tòa vụ Đồng Tâm: “khoan hồng” xử nhanh xử gọn, nhưng 2 người bị án tử hình “bình thản”

09 Tháng Chín, 2020 | Tin Việt Nam
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 9/9. Hình: Người Lao Động

Mặc dù dự trù phiên tòa vụ án Đồng Tâm dự trù kéo dài 10, nhưng chỉ hơn 2 ngày, đã có án đề nghị của Viện Kiểm Sát.

Luật sư Ngô Anh Tuấn nói với đài BBC Tiếng Việt có lẽ đến ngày Thứ Năm 10/9 phiên tòa sẽ xử xong.

Đánh mạnh, rút nhanh là chỉ tiêu của cộng sản Việt Nam trong chiến tranh (với nhân dân Miền Nam) và trong đấu tranh với nhân dân cả nước hiện nay.

Báo Người Lao Động đưa tin:

 

Vì sao 19 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm được chuyển từ tội “Giết người” sang tội danh nhẹ hơn?

 

Cơ quan tố tụng đã chuyển tội danh từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” cho 19 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm, bởi nhận thức pháp luật hạn chế, do được hứa hẹn chia đất nên đã mù quáng tin tưởng và đi theo đối tượng Lê Đình Kình.

Ngày 9-9, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã nêu quan điểm vụ án và đề nghị mức án đối với 29 bị cáo trong vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Đáng chú ý ngoài những đối tượng chủ mưu trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, VKS cũng đã thay đổi tội danh đối với 19 bị cáo.

Đánh giá mức độ, VKSND cho rằng các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến là chủ mưu cầm đầu với mục đích giết người rõ ràng. Trong đó, Lê Đình Công và Lê Đình Chức phạm tội có tổ chức, giết người có hành vi man rợ và nhân thân xấu nên cần loại bỏ khỏi xã hội.

Đối với nhóm 19 bị cáo được đề nghị thay đổi tội danh từ “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ”, VKS đánh giá một cách tổng thể thì hành vi của 19 bị cáo này đều đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác về tội giết người như cáo trạng đã truy tố là có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lời khai nhận tội của các bị cáo tại cơ quan điều tra và lời khai nhận tội của các bị cáo tại tòa, nhận thấy hầu hết các bị cáo này là nông dân, bị lôi kéo kích động, được hứa chia đất nên đã tham gia “Tổ đồng thuận” và đi theo đối tượng Lê Đình Kình, theo bị cáo Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu để thực hiện những hành vi phạm pháp. Do bị lôi kéo, kích động nên từng bị cáo đã tham gia thực hiện tội phạm ở những giai đoạn và mức độ nhất định.

Từ những phân tích trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo trong nhóm phạm tội “Giết người” gồm: Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình; bị cáo Lê Đình Doanh bị đề nghị mức án chung thân; 2 bị cáo Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến bị đề nghị 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển bị đề nghị 14-16 năm tù.

Bị cáo Lê Đình Chức bị đề nghị mức án tử hình. Hình: Người Lao Động

Ngoài ra, nhóm 19 bị cáo được VKS đổi tội danh từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” bị đề nghị: các mức án thấp nhất từ 18-26 tháng tù cho hưởng án treo, mức cao nhất 6-7 năm tù. Nhóm bị cáo “Chống người thi hành công vụ” trước đó gồm 4 người: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng cùng bị đề nghị mức 15-18 tháng tù cho hưởng án treo.

Trong khi đó, báo mạng BBC Tiếng Việt đưa tin:

 

Đồng Tâm: Án tử hình – Luật sư và hai ông Công, Chức phản ứng gì?

 

Sau khi Viện Kiểm sát (VKS) TP Hà Nội đề nghị mức án tử hình với hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức hôm 9/9, luật sư Đặng Đình Mạnh, người có mặt tại tòa, nói hồ sơ vụ án có quá nhiều thiếu sót, thì dù với bản án nhẹ nhất, chứ đừng nói tử hình, có khả năng cao là kết án oan sai.

Hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Ngô Anh Tuấn đi xem xét hiện trường – miệng hố ở nhà ông Lê Đình Kình – 1 tháng sau khi diễn ra đụng độ của dân làng Hoành, Đồng Tâm, với cảnh sát rạng sáng 9/1/2020. Nguồn Hình: LS Lê Hòa

Ông lý giải nhận định này với BBC News Tiếng Việt:

“Chưa thừa nhận vấn đề các bị cáo có tội hay không, nhưng các luật sư nhìn nhận rằng hồ sơ vụ án có rất nhiều thiếu sót.”

“Chẳng hạn như vấn đề triệu tập người tham gia tố tụng. Tòa không triệu tập Công an TP Hà Nội và nhiều cá nhân, tổ chức khác. Phía cơ quan điều tra cũng không tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ án.”

“Với một hồ sơ như vậy, việc kết tội bất kỳ ai trong số các bị cáo cũng có thể dẫn đến oan sai, từ không có tội trở thành có tội, hoặc từ tội nhẹ thành tội nặng.”

“Trong điều kiện đó, bất kỳ đề xuất về hình phạt nào, ở mức độ nào, với bất kỳ bị cáo nào, đặc biệt là đối với bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức, thì đều là không thỏa đáng.”

“Do đó, các luật sư đã thống nhất kiến nghị tòa chuyển trả hồ sơ về cho cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra lại, bổ sung những thiếu sót.”

Luật sư Mạnh cũng cho hay trong sáng 9/9, VKS đã thay đổi tội danh cho rất nhiều bị cáo, chỉ giữ lại 6 người ở nhóm tội ‘giết người’ (trước đây là 25 người), còn lại đều chuyển qua tội ‘chống người thi hành công vụ’.

“Như vậy, mức án dành cho các bị cáo này sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều. Tôi cho rằng những bị cáo được hưởng án treo, hoặc những người đến thời điểm xét xử cũng đã gần hết hạn tù rồi thì có lẽ sẽ không kháng cáo. Còn những người từ vài năm tù trở lên sẽ kháng cáo.”

Theo tường thuật của luật sư Mạnh, thái độ của hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức khi nghe đề nghị tử hình là ”hết sức bình thản”.

Bên cạnh đó, các luật sư tiếp tục không được gặp thân chủ trong ngày xử thứ ba.

“Trước đó khi các luật sư khiếu nại vấn đề này, tòa đã chấp thuận giải quyết. Trong buổi sáng xét xử thứ hai, các luật sư đã được gặp thân chủ. Nhưng khi vào phiên tòa, tới phần luận sư hỏi bị cáo thì có nhiều phần thông tin được hé lộ ra. Có lẽ vì vậy mà đến buổi chiều tòa thay đổi. Họ yêu cầu luật sư phải đăng ký trước mới được gặp thân chủ; và phải đứng cách xa thân chủ 2 mét. Còn đến hôm nay thì họ hoàn toàn không cho chúng tôi gặp nữa,” luật sư Mạnh nói.

Trong khi đó, theo đại diện VKS, hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, bất chấp pháp luật, vì lòng tham mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Hành vi giết người của nhóm bị cáo cầm đầu là dã man, làm ảnh hưởng đến các hoạt động đúng đắn của Nhà nước, gây bất bình trong dư luận mà hậu quả là ba cảnh sát hi sinh.