Tâm sự của một triệu phú ở VN: vì sao tôi phải mua máy bay?

10 Tháng Năm, 2008 | Tin Việt Nam

 


Báo VnExpress cho biết, ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Công ty dịch vụ mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất, nói trường hợp ông Đoàn Nguyên Đức mua máy bay riêng là lần đầu tiên ở Việt Nam, chưa có tiền lệ. Phí dịch vụ đậu máy bay ở Tân Sơn Nhất chỉ áp dụng với phi cơ nước ngoài, tính theo phương thức giờ và trọng tải cất cánh. Nếu trong 2 giờ đậu đầu tiên rồi bay ngay, chủ máy bay sẽ không mất phí.


 


Trong khi đó, Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines Lương Hoài Nam tiết lộ, ông biết đang có 3-4 cá nhân đã lên kế hoạch mua máy bay cho riêng mình. Sắp tới, sẽ có nhiều máy bay tư nhân hơn ở Việt Nam.


 


Chiếc máy bay mà bầu Đức, ông chủ đội banh Hoàng Anh Gia Lai đặt hàng là loại tàu bay 12 chỗ mang tên Beechcraft King Air 350, số serie FL-417 do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất; động cơ Pratt & Whitney PT 6-60 A (Canada). Giá bán vào khoảng 7 triệu Mỹ kim.


Đây là loại máy bay mới đời 2008 và khi về đến VN, không phải chịu bất kể loại thuế nào. Hiện thuế nhập khẩu đối với máy bay và các phụ tùng máy bay hiện tại là 0%.









Một kiểu máy may King Air 


 


Ông bầu đội banh Hoàng Anh Gia Lai cho biết ông bỏ tiền túi để mua máy bay riêng vì nhiều mục đích, nhất là do bất tiện trong việc di chuyển. Ông triệu phú bóng tròn trả lời báo VnExpress lý do mua máy bay như sau:


 


Ý tưởng nào khiến ông tậu chiếc máy bay hạng thương gia này?


 


– Tất cả những nơi mà công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai “đóng quân” đều có sân bay như Gia Lai, TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… hay các nước Lào, Thái Lan. Trong quan hệ làm ăn, giờ giấc hết sức quan trọng. Nhiều lúc, đi công tác do di chuyển bị trễ, tôi đã làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty. Thế nên, cách nay hai năm, tôi đã chợt nảy ra ý định mua cho mình một chiếc máy bay để đi lại giúp công việc thuận tiện hơn.


 


Mua máy bay phải mất 7 triệu USD nên để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty, trong khi đó điều kiện kinh tế cá nhân cho phép, tôi quyết định xuất tiền túi của mình mà không thông qua Đại hội cổ đông. Tôi sẽ sử dụng chiếc Beechcraft King Air 350 với nhiều mục đích như làm ăn, đi xem bóng đá, đi du lịch… Tuy nhiên phần lớn là phục vụ cho công ty.


 


Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tôi mua máy bay cũng sẽ đưa tiếng tăm của Việt Nam lên cao.


 


– Quá trình đàm phán mua máy bay mất bao lâu?


 


Lúc đầu tôi nghĩ sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn tôi thấy mọi việc hết sức dễ dàng. Vấn đề là bạn phải có tiền.


Để có thể sở hữu máy bay mới toanh bạn phải đặt hàng rồi người ta mới sản xuất, quá trình này mất khoảng 2 năm. Do muốn có càng nhanh càng tốt, nên tôi không chờ lâu. Từ khi đàm phán đến khi đặt bút ký hợp đồng mua chiếc Beechcraft King Air 350 diễn ra chỉ trong vòng hai tháng. Chiếc Beechcraft King Air 350 tôi mua đã đưa vào sử dụng khoảng 6-7 tháng, bay được 3.000 giờ. Thời hạn bảo hành là 3 năm.


 


Còn việc xin phép ở Việt Nam, ông đã tiến hành như thế nào?


 


– Cách đây 2 tháng, tôi đã trình bày với Cục hàng không Việt Nam và đã được hướng dẫn chi tiết cụ thể.


 


Sau khi về Việt Nam, Beechcraft King Air 350 sẽ được trang trí lại, phải được cơ quan tiêu chuẩn an toàn bay kiểm tra kỹ thuật. Nếu đạt yêu cầu về quy trình kỹ thuật, sửa chữa, tôi sẽ đăng ký lên Bộ giao thông Vận tải để xin cấp các chứng chỉ an toàn để được phép bay. Tôi hy vọng mọi thủ tục càng nhanh càng tốt.


 


– Ai sẽ là người lái máy bay của ông?


 


-Trong bản hợp đồng khi mua máy bay, phía đối tác là hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) có cam kết sẽ có khóa đào tạo khoảng hai tuần. Người được tuyển chọn tất nhiên phải rành rọt và có bằng phi công, thế nên chủ yếu là tập huấn thích ứng với các tính năng, kỹ thuật của máy bay mới này. Tôi khẳng định người lái chiếc này sẽ là người Việt Nam. Tôi đã ký hợp đồng với Công ty dịch vụ hàng không Vasco để lo việc này.


 


Máy bay sẽ đậu ở đâu khi về Việt Nam?


 


– Nếu sớm nhất ngày 13/5, Beechcraft King Air 350 sẽ về Việt Nam. Trước mắt, máy bay sẽ hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất để chờ làm thủ tục nhập cảng và được kiểm tra. Sau đó, khi đưa vào sử dụng, máy bay này sẽ lưu hành và đáp bãi ở tất cả sân bay Việt Nam và quốc tế.