Tiễn đưa người Chiến sĩ Dân chủ: Ghi nhanh về tang lễ cụ Hoàng Minh Chính

19 Tháng Hai, 2008 | Tin Việt Nam


Trời Hà Nội như thấu tình người thân, bạn bè đồng chí và những người hâm mộ cụ Hoàng Minh Chính, đã ấm lên ngay từ đầu buổi sáng 16 tháng 2 sau hơn một tháng liên tiếp rét đậm rét hại chưa từng có trong suốt một thế kỷ.


 


Chưa đến 9 giờ sáng, tức là 45 phút trước giờ bắt đầu lễ viếng mà lối vào nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn và khoảng sân rộng trước nhà tang lễ đã có khá đông người với các vòng hoa chờ vào viếng cụ. Đảo qua, thấy các vòng hoa của gia đình mục sư Nguyễn Hồng Quang, gia đình luật sư Lê Thị Công Nhân, gia đình luật sư Nguyễn Văn Đài, gia đình ông Đỗ Nam Hải, gia đình ông Vũ Cao Quận, gia đình một số đội viên cảm tử trong trận đánh sân bay Gia Lâm 60 năm trước (bản thân các vị này đã không thể có mặt), Đại sứ quán Hoa Kỳ, và… Sở Công an Hà Nội… Mấy nhà báo quốc tế lỉnh kỉnh máy ảnh, máy quay phim đã chực sẵn.

Trước quang cảnh ấy, mặc dù những phản cảm đầu tiên khi thấy lượng “cảnh sát giao thông” đông hơn cùng với xe cảnh sát chạy đi chạy lại ở đầu ngã ba phố Thanh Nhàn, khi tất cả các máy điện thoại di động trong vùng gần nhà tang lễ đều được thông báo “failed service”, làm cho không khí có gì đó giông giống với các buổi biểu tình trước cơ quan ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 12/2007, nhưng khi bước vào khu nhà tang lễ, mọi người đều có dự cảm mọi việc sẽ diễn ra trong chiều hướng tốt đẹp.


Các vòng hoa, các bức trướng tiếp tục tới kìn kìn nhưng đều không thoát khỏi con mắt kiểm tra sắc sảo của lực lượng bảo vệ nhà tang lễ (chắc đã được bổ sung đột xuất khá nhiều). Từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 kết thúc lễ viếng theo đúng chương trình, có đến 200 vòng hoa, trướng, với khoảng 400 người tới tiễn đưa hương hồn lão chiến sĩ cách mạng.


Thử điểm tên một số người quen biết: Trong số các nhà đấu tranh dân chủ có TS Nguyễn Thanh Giang, ông Lê Hồng Hà – nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an (đi cùng là phu nhân, GS Lê Thi – nguyên Viện trưởng Viện Triết học), nhà báo Nguyễn Vũ Bình – nguyên biên tập viên Tạp chí Cộng sản, nhà văn Hoàng Tiến, anh Nguyễn Tiến Trung – thủ lĩnh Tập hợp Thanh niên Dân chủ (từ TPHCM), ông Vi Đức Hối – nguyên Giám đốc trường Đảng huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn)…








Anh Lê Thanh Tùng giữa các nhà báo và nhân viên bảo vệ

Giới cầm bút có: GS Huệ Chi, nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ Dương Tường, GS Hoàng Ngọc Hiến, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai – nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà báo Lê Phú Khải (từ TPHCM)…


Giới khoa học có Viện sĩ Vật lý Đào Vọng Đức, một số cán bộ giảng dạy trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một số nhà nghiên cứu trước đây ở các Viện Triết học, Sử học, và Uỷ ban Khoa học Xã hội. Đoàn tăng sĩ do Đại đức Thích Không Tánh từ TPHCM cuối cùng đã thoát khỏi sự ngăn trở ở Huế để kịp có mặt viếng và làm lễ cầu siêu cho Phật tử mới quy y Chân Tâm Hoàng Minh Chính (không thấy đoàn đem theo bức trướng viếng của cụ Thích Quảng Độ như thông tin trước đó trên mạng). Có một số gương mặt có thể cho thấy họ là người Việt ở nước ngoài về đưa tang cụ.


Nội dung một số bức trướng ca ngợi người quá cố với những lời tốt đẹp nhất và thực xứng đáng với cụ. Cụ Vũ Đình Hoè (nguyên Bộ trưởng Tư pháp thời kháng chiến chống Pháp, nay đã gần bách tuế, hiện sống tại TPHCM) giao cho con trai là GS Vũ Thế Khôi đưa đến bức trướng mang năm chữ “Nhân, Trí, Dũng Vẹn Toàn”.


Bức trướng của hai gia đình cụ Vũ Đình Huỳnh và Đặng Kim Giang mang tám chữ vàng: “Minh tâm minh đức, Chính nghĩa chính danh”. Bức trướng của nhóm dân chủ Đà Lạt (Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh) mang câu đối “Chính khí hựu chính danh đích thị nam thiên hào kiệt/ Minh tâm như minh nguyệt hà cầu bắc đẩu bội tinh”.


Những lời ngợi ca công khai như thế còn vang lên ngay trong lễ đường. GS Nguyễn Huệ Chi dẫn đầu đoàn viếng của Trung tâm Minh triết









Vòng hoa của Công An Hà Nội


 Việt và một số cây bút độc lập, đã thống thiết nói lớn trước linh cữu cụ: “Đoàn chúng tôi xin bày tỏ niềm cảm phục sâu sắc và lòng tiếc thương vô hạn trước tấm gương bất khuất kiên cường, tinh thần dũng cảm và quan điểm dân chủ sáng ngời của GS Hoàng Minh Chính. Chúng tôi xin lạy ông ba lạy để tiễn đưa ông về nơi chín suối.” Và cả đoàn đã sụp lạy đầy thành kính theo đúng nghi thức cổ truyền phương Đông.

Sự tôn kính với người quá cố thể hiện tập trung nhất trong điếu văn của Luật sư Trần Lâm. Phong độ trầm tĩnh, giọng nghiêm trang và hùng hồn, luật gia lão thành, cựu thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao, thành viên BBT tạp chí mạng Tổ Quốc – một trong những tờ báo độc lập đầu tiên ra đời trong nước, người “thầy cãi” tài tình trong các vụ án chính trị gần đây, đã truyền được hầu hết tình ý sâu sa của những người ngưỡng mộ cụ Hoàng Minh Chính có mặt hay vắng mặt trong đám tang (bài đã được đưa lên mạng ngay từ ngày 15/2/2008).

Liên tưởng đến tang lễ đầy sự cố của Tướng Trần Độ mấy năm trước đây do Văn phòng Quốc hội tổ chức với lời điếu tai tiếng của ông Chánh văn phòng, người ta thấy rõ rằng những sự tốt đẹp trên đối với hương hồn cụ Hoàng chắc không thể có được nếu tang lễ do một cơ quan nhà nước như Viện Triết học chẳng hạn, đứng ra tổ chức. (Viện này chỉ có mặt với tư cách một đoàn viếng thông thường.)








Đại diện và vòng hoa của tòa đại sứ Hoa Kỳ

Gia đình người quá cố đã không uổng công tranh đấu cho quyền được tổ chức tang lễ của người thân trong tư cách một người dân thường, tại một nhà tang lễ của dân thường. Lập trường rõ rệt ấy cũng thể hiện trong lời tiễn biệt cha của trưởng nữ Trần Thị Thanh Hà, xúc động nhưng vững vàng niềm tự hào của một gia đình cách mạng đã gắn bó với người chồng, người cha thương yêu “suốt đời đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, chia sẻ ước nguyện của ông về một “tương lai tươi sáng cho đất nước nhất định sẽ trở thành hiện thực, vì mọi người Việt Nam đều muốn phấn đấu cho nước Việt Nam dân chủ, tự do, hạnh phúc, cho dân tộc Việt Nam ngẩng cao đầu cùng nhân loại.”


Đáng tiếc là những lời nhắn gửi cuối cùng của cụ Hoàng Minh Chính trước lúc ra đi phát qua cassette đã không nghe được rõ, tuy nhiên ai cũng cảm nhận được qua giọng nói nặng nhọc và méo tiếng ấy một tâm huyết vì dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng.


Đúng 11 giờ 45 phút, lễ động quan cụ Hoàng Minh Chính khởi sự trong nghi thức Phật giáo do Đại đức Thích Không Tánh chủ trì. Linh cữu cụ được đưa đi điện táng tại Nhà Hoá thân Hoàn vũ nghĩa trang Văn Điển


 


Có thể nói đám tang lão Chiến sĩ Dân chủ Hoàng Minh Chính đã diễn ra trong không khí thật trang trọng, tôn nghiêm và xúc động chân thành. Sự cố duy nhất trong buổi lễ (không nói đến việc cản trở một số nhà dân chủ từ Hải Phòng, TPHCM tới dự lễ, một động thái khó hiểu và không đáng có) là việc một thanh niên tên Lê Thanh Tùng bị ngăn cản đem vòng hoa của Radio Sidney Australia Radio Chân trời mới vào viếng (cụ thể là tước bỏ tấm băng đen mang tên các cơ quan này) đã trở thành tiêu điểm cho các nhà báo nước ngoài xúm lại phỏng vấn, và sau đó sự can thiệp thô thiển của lực luợng bảo vệ đã gây ra cuộc tụ tập ngoài sân ngay trước giờ động quan, bị nhiều người phản đối.









Đại đức Thích Không Tánh khởi lễ động quan


Những người dự tang lễ cụ Hoàng Minh Chính ra về trong cảm tưởng vui mừng vì sự mỹ mãn của nó. Trên giường bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị, sau khi nghe lại qua băng ghi âm diễn biến của tang lễ, nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang, một trong số hiếm hoi chiến hữu cuối cùng còn lại của cụ Hoàng trong vụ án “Xét lại” hơn 50 trước, đã xúc động phát biểu: “Thế là cuộc chiến đấu của bọn mình suốt bao nhiêu năm, đến giờ đã chứng tỏ là không vô ích.”
(Ảnh trong bài của tác giả.)