Nói hay đừng : TỪ TỬ VI ĐÀO TẨU ĐẾN TỬ VI BÁO HẠI

27 Tháng Ba, 2008 | Tử vi

           

Khoa Tử Vi được phổ biến trong dân gian, gắn bó với nền văn học dân tộc. Do đó, một số đông đồng bào Việt Nam tin vào số mệnh nên thích xem Tử Vi một vài lần trong đời để thỏa tính tò mò hoặc để tiến thân lập sự nghiệp. Tuy nhiên mức độ tin tưởng vào khoa Tử Vi cao hay thấp vẫn còn tùy thuộc từng người. Có người xem khoa Tử Vi như là một tập tục cổ truyền mà đầu năm ngày Tết bói quẻ mua vui thì không sao hết. Nhưng cũng có người quá mê tín dị đoan, bạ đâu tin đó mà không may gặp phải các lời giải đoán sai lầm thì thật tác hại vô cùng.

 

Những điều di hại còn kia

Kẻ thì bỏ vợ, người thì gia vong.

           

Ngày nay, khoa Điện Toán IBM thảo sẵn chương trình an sao lập số Tử Vi, chỉ cần cho đủ các dữ kiện chính xác ngày, giờ, tháng và năm sinh vào máy, bấm sẽ có ngay một lá số Tử Vi để xem sách tự giải đoán lấy một cách nhanh chóng. Cho nên Tử Vi càng được phổ biến và các thầy bà lợi dụng lòng mê tín của những người nhẹ dạ thích coi Tử Vi không phải trả tiền dịch vụ. Chúng ta thấy có những thầy bà thực tập Tử Vi bằng cách an sao lập số bừa bãi rồi lấy sách Tử Vi ứng dụng đi vào giải đoán lung tung gây ra một nạn «dịch» Tử Vi không có thuốc chữa được nữa.

           

Tôi may mắn xuất thân từ một gia đình Nho Y lý Số qua gia phả của tổ tiên thuộc dòng họ Vũ-Hồn (804-853), gốc làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương. Đến đời các Cụ Tổ tôi thiên cư về lập nghiệp tại làng Hàn Thông, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, gia phả ghi được đến tôi là đời thứ 13. Các Cụ Tổ tôi có nghề Đông Y Lý Số gia truyền mà sách vở lưu truyền chép tay còn giữ được đến nay.

 

Trước năm 1945, tôi học chữ Hán với ông nội là cụ đồ Vũ Khắc Khoan trong làng. Sau năm 1945 chạy tản cư khắp các tỉnh miền Bắc, theo Cụ thân sinh Giáo học Đông Y Sĩ Phúc Lộc Đường đi chữa bệnh và xem Tử Vi phong thủy ở khắp làng quê nên tôi sớm nhìn ra môn Cổ học truyền thống này vốn có một giá trị thực tiễn.

 

Năm 1954 di cư vào Saigon, tôi còn say mê tiếp tục học hỏi qua kinh nghiệm gia truyền của ông Bác họ là cụ Vũ văn Khải, đền Đức Thánh Trần, Hiền Vương, Saigon. Ông Bác tôi và Thân phụ tôi đều học chữ Hán để chuẩn bị thi Hương tại trường thi Nam Định. Tôi dài dòng là để quý vị và các bạn trẻ biết được tài là phải học vì «không thầy đố mày làm nên».

           

Năm 1971, tôi gặp một anh bạn đồng nghiệp là giáo sư Nguyễn Hữu Lương, cùng dạy với tôi ở Trung học Phan Sào Nam. Anh gốc Thanh Hóa, cũng trong một gia đình khoa bảng Hán Học có truyền thống, tinh thông Hán Nôm và dịch sách Thanh Cung 13 Triều nổi tiếng. Chúng tôi xuất bản Tuần báo Nho Y Lý Số để tuyên dương khoa Lý Số Đông Phương. Giáo sư Nguyễn Hữu Lương tốt nghiệp Cao Học Triết Đông với Luận văn «Kinh Dịch với Vũ trụ quan Đông Phương» và sau đó là giáo sư Đại Học Văn Khoa Saigon và Huế.

 

Anh cũng giỏi Tử Vi nên tôi nhờ anh chấm thử một lá số Tử Vi cho con trai đầu lòng của tôi để xem cách lý giải của anh thế nào mà học hỏi thêm càng tốt. Anh chấm lá số viết tay đến trên 50 trang thật là văn vẻ rất lý thú. Tôi tin vào tài học của anh hơn hẳn ông Bác tôi và Thân sinh tôi về cấp bằng Cao Học Triết Đông. Tôi đã lầm, thực tế lại khác. Cũng ngày giờ sinh ấy, lá số của con trai tôi được ông Bác và Thân phụ tôi đều chấm cùng một giờ giống nhau.

 

Vì cháu đẻ vào nửa đêm có thể còn ở giờ Hợi ngày hôm trước, mà cũng có thể qua giờ Tý ngày hôm sau. Nhưng nếu là thầy Tử Vi có thực học chân truyền nắm được nguyên tắc tính giờ thì chỉ hỏi một câu rất giản dị sẽ biết giờ Hợi hay giờ Tý đúng. Cho đến nay, con trai tôi trưởng thành thì lá số Tử Vi của cháu do ông Bác tôi và Thân phụ tôi đều là những lão sư có trên 50 năm kinh nghiệm hành nghề đã giải đoán rất chính xác. Còn lá số của ông bạn tôi cũng giải đúng  nhưng sai giờ là lá số của người khác.

 

Tôi mới vỡ lẽ là «trăm hay không bằng tay quen» là vậy. Mãi gần đây, tôi giật mình khi nhận được lá thư chúc Tết của ông Chef mình là Cựu Trung Tá Lê Quang Tiềm, nguyên Giám đốc Đài Tự Do và Mẹ Việt Nam trước năm 1975 ở Việt Nam. Ông Chef «tình xưa nghĩa cũ» của tôi, biết rõ lý lịch địa chỉ tôi trên báo, quý mến tôi đã gửi tặng hai quyển sách quý được lưu giữ trong tủ sách tham khảo gia đình:

 

           

– Bói Dịch (I Ching, A Philosophical Prophecy, by Lê Quang Tiềm – USA – 1992).

           

– Tự Điển Tử Vi Đầu Số và Thần Số Học (Thái Cực & Lưỡng Nghi) by Lê Quang Tiềm, USA, 1998 (418 pages).

           

Lê tiên sinh, tác giả hai quyển sách Tử Vi và Bói Dịch soạn rất nghiêm chỉnh và công phu đến như thế mà lại không đăng đàn xưng là «Tử Vi Gia» để hành nghề kiếm sống lúc tuổi già nghỉ hưu là sao?

           

Lê tiên sinh lại tự «hạ mình» viết thư với lời lẽ khiêm tốn và lễ độ rằng: «Tôi năm nay sắp bát tuần, sinh ngày… tháng… năm Đinh Tỵ (1917) giờ… (Năm nay Lê tiên sinh vừa tròn 90 tuổi. Lúc cụ đỗ Tú Tài bản xứ thì tôi sinh ra đời). Theo tôi xem thì sang năm Bính Tý (1996) lưu tại cung Dần thuộc cung Tử túc, ngộ tuần Triệt. Cơ nguyệt Đồng Lương ngộ Tang, Diêu, Cô, Quả, Mã Khốc Khách, Đào Hồng, Thiên Không. Tôi đoán là tôi rất nặng hoặc là con cái, vậy giáo sư có kinh nghiệm nhiều về Tử Vi, xin vui lòng cho tôi biết đôi lời quý báu của Giáo sư. Tôi chỉ viết về Dịch và Tử Vi mà không hành nghề nên thiếu kinh nghiệm. Xin cám ơn Giáo sư».

 

Thư lại có cả Tái bút viết thêm mấy dòng: «Mr Edward  John là cố vấn cho tôi và Trung tá Thoại có ghé thăm chúng tôi năm ngoái, chúng tôi có mời ông ta dự bữa ăn tối có cả bà Khuê và anh Vũ Quang Ninh đến dự».

           

Thú thật là tôi rất vui mừng  nhận được tin ông Chef cũ, ân nhân của mình được bình an. Tôi cũng nhận được sách tặng chuyên ngành có giá trị để học hỏi thêm. Nhưng tôi lo sợ về giải đoán của mình không đúng thì chỉ còn nước «giải nghệ» đi là tốt.

           

Thế nhưng «Số được làm thầy, gieo đúng quẻ», tôi đã quyết đoán là Tiên sinh bình an vô sự, sống thọ ngoài 90 tuổi đúng. Nhưng trong gia đình có đại tang cũng đúng «boong»… Rồi qua năm sau, tôi lại nhận được thiệp chúc Tết của Lê tiên sinh kèm theo tấm check (gọi là mừng tuổi) với lời lẽ xưng hô càng làm tôi «nhột nhạt» thêm.  Chef cũ xưng hô với tôi lúc thân tình, cụ gọi tôi là “bạn” có chết không?

 

Tôi nhớ lại lúc làm việc tại Khối Giáo vụ Nha Tuyên Úy Công Giáo thì cha Trưởng khối là Linh mục Tuyên Úy Nguyễn văn Minh cũng quý mến tôi gọi tôi là «bạn». Tôi nói đùa với các bạn đồng nghiệp là chết ở danh xưng «bạn» đó, chứ đừng tưởng bở gì đâu! Còn Linh mục Phó Giám đốc Phan Phát Huờn, kiêm trưởng Khối Giáo vụ, nhân  vật nặng ký thứ 2 của Nha Tuyên Úy Công giáo thì mỗi lần  đến bàn giấy giao cho tôi việc gì thì ngài vui vẻ tươi cười, rằng: «Cha xin lỗi con, cha nhờ con việc này…». Số Tử Vi của tôi được cụ Phúc Lộc Đường có câu «Số Cận quý được gần cấp lãnh đạo rất yêu thương». Đúng vậy!

 

Tôi học Tử Vi Lý Số từ trong gia đình trước năm 1954, sau năm 1975 mới hành nghề vì hoàn cảnh dẫn đến chứ cũng không ham lắm vì quá nặng trách nhiệm. Có nhiều lúc chờ đợi một giải đoán, xem đúng hay sai cũng mất ăn mất ngủ, lo lắng như mọi người có thiện tâm thiện chí vậy.

 

 Hồi học Đông Y Châm Cứu với cụ Lương y Nguyễn Trung Hòa sau năm 1975, tôi ghi lòng tạc dạ lời Cụ khi vào lớp thường nhắc «Nhất thế y, tam thế suy» Nếu thiếu lương tâm trách nhiệm mà gieo tội ác cho người ta thì ai oán đến 3 đời con cháu chưa hết. Khiếp quá,  trời đất ông bà ơi!

           

Cụ Thiên Lương Lê Hữu Khải, tác giả sách Tử Vi Nghiệm Lý (Saigon 1974) và Tử Vi Nghiệm Lý Toàn thư (1985), với 50 năm kinh nghiệm chỉ giúp người, giúp đời cũng không chính thức hành nghề mà chỉ an sao lập số tặng những ai có duyên với Cụ mà thôi. Nay con cháu Cụ cũng thế, thật đáng kính phục.

Trong đời, nếu tôi có duyên may được gặp các bậc thầy danh sư uyên bác, vừa học hỏi được chuyên môn, vừa có diễm phúc được các cụ quý mến. Trước một năm, Cụ Thiên Lương qua đời thì tôi xuất ngoại đoàn tụ gia đình. Tôi đến chào từ biệt Cụ lại được Cụ trao tặng một tấm hình bóc trong album với hàng bút tích vô cùng quý giá như sau:

 

«Thân tặng Ông Vũ Tiến Phúc với lòng thành thực của tôi tin tưởng ông sẽ thành công danh dự trên bước đường Toán Số Học.

Ngày Kỷ Mão tháng Nhâm Tý năm Nhâm Tuất

Ký tên: Thiên Lương»

 

Di ảnh Lý số gia Thiên Lương (1910-1984)

 

Ngày nay, ở hải ngoại, tôi còn được tiếp tục hành nghề là nhờ công đức của Tổ Tiên, Thân phụ tôi và ông Bác tôi đều là những nhà Lý Số đạo đức và tên tuổi với trên 50, 70 năm kinh nghiệm hành nghề, các bậc ân sư thành danh đều đã đi vào cõi Vĩnh Hằng, thân phụ tôi thọ 99 tuổi.

           

Tết năm Bính Tuất ra, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi thắc mắc về các giải đoán Tử Vi trên nhiều tờ báo với những danh xưng mới lạ. Tôi tôn trọng nghề nghiệp, không dám phê bình ai hết. Nhưng tôi vô cùng lo sợ về cái nạn Tử Vi «đào tẩu», «báo hại» những người nhẹ dạ mê tín dị đoan dễ đi đến sụp đổ sự nghiệp vì nghe thầy dùng sinh khắc Ngũ hành chỉ bậy cho thân chủ đang làm ăn khá, xui người ta đổi nghề mất cả cơ nghiệp, đáng oán trách lắm.

           

Một Tử vi gia có văn phòng hành nghề và cũng viết sách Tử Vi như ai. Nhưng nếu đọc sách của ông viết, chỉ toàn những điều ngang ngược. Thầy cứ làm ra vẻ thông thiên đạt địa, coi thiên hạ chẳng ai ra gì hết.

           

Nếu chúng ta nhìn vào trong lịch chúc Tết đầu năm Bính Tuất của thầy thì quyển sách Tử Vi đi ngang vế tắt ấy cũng theo thầy đi luôn!

           

Một trang lịch ngày Tết còn không biết tính sao cho đúng thì có viết cả một quyển sách Tử Vi 500 trang cũng chẳng đến đâu hết. Thầy nói ngang, nói ngược thì thầy nói thầy nghe cho vui chứ các học giả Tử Vi chẳng ai thèm có ý kiến gì đâu! Thầy yên tâm là một Tử vi gia có sánh để đời. Nhưng:

 

Trăm năm bia đá thì mòn

Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

 

Tôi chỉ lấy một trang lịch Tết này hỏi rằng thầy học cách tính này ở đâu, ở sách nào mà ngày mùng 1 Tết là ngày Mậu Ngọ thì tuổi kỵ nhất phải là tuổi Giáp Tý chứ không phải Bính Tý? Giờ Mão (Ngọc Đường) nhưng là giờ Niên Xung cả năm Ất Dậu đều xấu; là giờ hung, sao thấy lại nói tốt ở chỗ nào? Giờ Ngọ chỉ là giờ trung bình. Hú họa thầy chỉ tính đúng mỗi giờ Thân.

 

Rõ ràng là nhà thầy không biết tính tuổi kỵ và cũng không biết tính giờ xấu, tốt trong ngày. Thế mà thầy dám viết sách Tử Vi, «ngang ngược» đến thế là hết chỗ chê! Không ai chê cho nên thầy mới nhảy vào các tờ báo lớn phụ trách mục Tử Vi đánh lừa độc giả bấy lâu nay. Nghe nói thầy lại đổi tên mới còn ngon lành hơn!

           

Năm Bính Dần (1986), trong lịch sách Tử Vi chùa Khánh Anh bên Pháp, có giới thiệu «Lời đầu» như sau: «Từ nhà Tướng số Nhựt Thanh đến Lý Số Học Thiên Đức và bắt đầu năm nay là Cư sĩ Thiên Ân Ngô Thiên Hựu, mỗi người có một sác thái đặc biệt riêng…»

           

Tội nghiệp cho Lý Số gia Thiên Đức, xuất thân là Đốc phủ sứ, cố vấn Tòa Đại sứ VN trước 1975. Sau 1975, sa cơ thất thế mới phải làm thầy Tử Vi kiếm sống độ nhật. Nhưng Lý Số gia Thiên Đức là người có thực học chân tài. Tôi ca tụng hết lời, còn cư sĩ Thiên Ân Ngô Thiên Hựu nay đổi tên là Phật Quang Thiên Lương, Pháp sư Thiên Lương v.v…  đã được bà con ta thuộc loại mê tín dị đoan đón rước về nhà giải Tử Vi bừa bãi nhưng làm sao giấu được tông tích. Thầy bỏ Canada đi đâu rồi?

           

Cũng may, Thượng tọa chùa Khánh Anh, sau khi được thư tôi «hạch tội» Tử vi gia này, cũng nhìn ra sự thật. Lỡ một lần rồi, năm sau đó «bye» thầy luôn. Cái «nạn» Tử vi giải loạn cào cào đang làm cho bà con cô bác khinh khi cũng đúng. Sợ thầy như sợ ma quỷ!

 

Số cô có mẹ có cha

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai (Ca dao)

 

Chính tôi cũng là nạn nhân bị người ta «lấy cắp» Tử Vi của mình giải ở các năm trước, sửa đổi lại cho các năm sau, cũng không làm sao kêu ca vào đâu được. Tệ hại đến thế là hết chỗ nói! Xin quý vị và các bạn trẻ hãy thận trọng và sáng suốt nhìn ra sự thật đâu đó cho phân minh. Rất tiếc và đáng giận, trong cảnh huyên náo chợ đời này, có một số thầy bà bất học vô thuật, trà trộn vào mọi ngành học thuật, nhưng lại viết sách giải Tử Vi lung tung, đảo lộn trắng đen, đầu độc người nhẹ dạ.

           

Giáo sư Vương Ngọc Đức, tác giả bộ sách Tổng Tập Văn Hóa Thần Bí Trung Quốc, sau ba chục năm nghiên cứu toàn bộ loại sách chuyên ngành này, đã cho chúng ta lời khuyên quý báu như sau: «Văn  hóa thần bí là một kho biến ảo thần kỳ, người theo nghiệp học nhận thấy ở đấy ánh hào quang của trí tuệ; người cầm quyền qua đấy mà tổng kết những quyền mưu gìn giữ chính quyền; người kinh doanh lấy từ đấy vô vàn của cải; kẻ mộng muội thì xin ở đấy sợi dây để tự trói mình…».

 

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chử tài (ND)

 

Thiên  Phúc Vũ Tiến Phúc

(Tác giả sách Tử Vi Giảng Minh)