2018: Thái bình dương có nguy cơ dậy sóng vì tham vọng của TC

17 Tháng Một, 2018 | Bình Luận
Tàu USS Mustin đang trên đường tuần tra từ Yokosuka, Nhật Bản, có thủy thủ đoàn gần 300 người và hoạt động thường kỳ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương. Photo Courtesy: Reuters

Trong năm qua khu vực Á châu Thái bình dương lên cơn sốt chiến tranh vì sự ngang ngược của Bắc Hàn thử bom nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa với khả năng có thể bắn tới bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ như Kim Jong-un đe dọa. Cả thế giới phương tây và nhất là Mỹ cứ bận bịu với việc trừng phạt và vận động ngoại giao để ngăn chận Bắc Hàn trở thành cường quốc nguyên tử.

Để đạt mục tiêu, Mỹ cần sự hợp tác và hỗ trợ của Trung Cộng. Vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã ra nghị quyết cắt tối đa việc bán dầu và hồi hương nhân công Bắc Hàn do Mỹ soạn thảo mà không bị Trung Cộng (và Nga) dùng quyền phủ quyết như bấy lâu. Cái giá phải trả là Trung Cộng âm thầm nạo vét biển, bồi đắp và nới rộng các đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo họ chiếm mà không bị thế giới chỉ trích hay chống đối.

Ngoài lợi thế Mỹ đang đối phó với thái độ hung hăng hiếu chiến của Bắc Hàn và há miệng mắc quai do năn nỉ Bắc Kinh áp lực Bình Nhưỡng, Trung Cộng được hai đối thủ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chịu hòa hoãn, nhượng bộ. Mặc dầu được tòa án quốc tế The Hague cho thắng kiện, Tổng thống Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân đã không còn đối đầu như vị tiền nhiệm, trái lại chấp nhận đàm phán song phương như chủ trương bấy lâu của Trung Cộng và nhận viện trợ của Bắc Kinh.

Thành công trong việc tách rời  các quốc gia có tranh chấp và phá vỡ sự đoàn kết của khối ASEAN qua việc chấp nhận “áp dụng các quy tắc ứng xử tránh va chạm trên biển” với các quốc gia trong vùng, Bắc Kinh loại một đối thủ thứ hai  khỏi “vòng chiến” là Việt Nam khi hai người đứng đầu đảng cộng sản của Trung Quốc và Việt Nam có những chuyến thăm hữu nghị và đi đến thỏa thuận hợp tác cùng có lợi thay vì đối đầu. Tình đồng chí và quyết tâm bám víu quyền lực độc đảng  đã khiến Hà Nội co vòi.

Thế là hai đối thủ to mồm tranh chấp ở Biển Đông tạm im tiếng nên Bắc Kinh cứ thế mà làm tới để rồi một ngày không xa họ có thể sẽ làm chủ toàn bộ Biển Đông như họ từng  tuyên bố đấy “là chủ quyền lịch sử” của họ. Mặc dù Brunei có  đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa nhưng hầu như vương quốc dầu hỏa này chưa có lời qua tiếng lại với Trung Quốc. Còn Đài Loan giữ thân chưa xong nói gì tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa. Bộ Quốc phòng Đài Loan trong một báo cáo cho biết trong năm qua Trung Cộng đã cho tập trận ít nhất 16 lần gần Đài Loan và cảnh báo nguy cơ một cuộc tấn công đảo quốc này ngày càng gia tăng. Nhưng phát ngôn viên Văn phòng các Vấn đề Đài Loan của Trung Cộng lại cho rằng đó là những cuộc “diễn tập bình thường” và rồi thì “mọi người sẽ quen dần”.

Quân đội Đài Loan chỉ có 210,000 binh sĩ trong khi Trung Quốc có đến 2 triệu binh sĩ và xét về mặt vũ khí,  Trung Quốc sẽ nuốt chửng Đài Loan tuy nhiên tuần qua Đài Loan tuyên bố nếu Trung Quốc xâm lăng bằng vũ lực họ sẽ trả một cái giá rất cao.   Đài Loan đang dự tính mua máy bay hiện đại của Mỹ để thay thế chiến đấu cơ  F-16 cũ kỹ và phát triển một hệ thống hỏa tiễn phòng thủ sẽ gây tổn thương nặng nề cho đại lục nếu Bắc Kinh mở cuộc tấn công.

Trong khi việc bành trướng và hoàn tất các căn cứ phòng thủ của Bắc Kinh ở Biển Đông đã lên tới mức báo động, Trung Cộng cũng đang đối đầu với Nhật Bản trong việc tranh chấp quần đảo Senkaku. Trung Cộng đã chi tiêu rất nhiều vào quốc phòng và là cường quốc quân sự ở Á châu Thái bình dương do đó Nhật Bản đang dự tính mua thêm máy bay của Mỹ để bảo vệ các hòn đảo của họ đang bị Trung Cộng cho oanh tạc cơ bay đến gần. Chính phủ  Abe cũng đang dự tính cải biến chiếc khu trục hạm Izumo lớn nhất của họ thành một hàng không mẫu hạm để không những bảo vệ họ khi có chiến tranh với Bắc Hàn mà còn đối đầu với hàng không mẫu hạm Liêu Đông của Tàu.

Như nhiều chiến lược gia đồ đoán, một cuộc chiến ở Á châu Thái bình dương sẽ không xảy ra với Bắc Hàn mà với Trung Cộng. Bằng chứng cho thấy cả Úc lẫn Mỹ mới đây đã cho công bố Bạch thư và Chiến lược an minh. Tham vọng của Bắc Kinh là mối lo của năm 2018.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1658 phát hành ngày 03.01.2018)