Bài học: Làm ăn với cộng sản, phải coi chừng

26 Tháng Mười Một, 2016 | Bình Luận
Bắc Kinh đã cảnh cáo Crown Casino (Photo: Reuters)

Ba công dân Úc trong số 18 nhân viên của đại công ty nghỉ dưỡng và cờ bạc Crown Resorts của tỉ phú James Packer đã bị bắt và bị giam giữ cách đây gần hai tuần. Cuộc đột kích diễn ra tại các thành phố ở Hoa lục  như Thượng Hải, Quảng Châu và Bắc Kinh. Ba người Úc gồm  Jerry Xuan, Pan Dan và Jason O’Connor là giám đốc đặc trách về các dịch vụ dành cho giới VIP quốc tế. Đây là chuyến đi Tàu lần đầu của O’Connor. Trong vài ngày đầu, lãnh đạo công ty Crown Resorts, các luật sư, thân nhân và bộ Ngoại giao Úc chẳng có tin tức hay không được tiếp xúc với những người bị giam giữ như ở các nước dân chủ. Nhưng đó là chuyện bình thường ở những nước cộng sản độc tài như Trung Quốc hay Việt Nam.

Trong mấy năm gần đây, Tập Cận Bình mở rộng chiến dịch đánh   tham nhũng, đặc biệt nhắm vào những người chuyển tiền ra ngoại quốc bằng con đường cờ bạc. Tại Trung Cộng, cờ bạc là phi pháp. Người ta được biết rằng quảng cáo  và mời khách chỉ có thể được phép diễn ra ở khách sạn khu nghỉ dưỡng có sòng bài. Nhưng nếu dụ công dân Trung Quốc ra ngoại quốc đánh bạc và nếu tổ chức cho trên 10 người thì sẽ đối diện với tội hình sự. Không biết các công dân Úc và các  nhân viên Crown trong số 18 người bị bắt có biết luật lệ về cờ bạc của nước sở tại không?

Crown Casino trong nhiều năm qua đã chiêu dụ được nhiều tay giàu có Á Châu đến đốt tiền trong các sòng bạc ở Úc. Những khách VIP của các sòng bài tại Úc được cho hưởng những sự sang trọng hào nhoáng nhất, bằng cách đưa rước bằng phi cơ riêng, đến Úc được di chuyển bằng xe limousine và ở trong những khách sạn 5, 6 sao. Nghe nói những đại phú gia Á Châu đóng góp đến 30% thu nhập của các sòng bài Úc.  Đây cũng là cách để các đại gia Tàu  chuyển tiền ra ngoại quốc một cách “hợp pháp”.

Có tin cho hay từ năm ngoái Trung Cộng đã cảnh cáo Crown Casino chớ dụ các đại gia qua Úc đánh bạc. Họ theo dõi những người   qua Trung Quốc trong thời gian ngắn thay vì ở lâu và cuối cùng đã có một cuộc bố ráp quy mô. Chỉ trong một ngày Thứ Hai đầu tuần khi tin các nhân viên bị bắt, cổ phiếu của Crown đã tụt 14% làm ông James Packer mất đi khoảng 1 tỉ đô la. Cho đến khi 18 nhân viên của mình bị bắt, ông Packer là một trong những người Úc mạnh miệng nhất kêu gọi  Úc gia tăng hợp tác kinh tế và chính trị với Trung Cộng và chỉ trích các chính phủ trước đây đã chưa làm đủ để tạo cho quan hệ Úc-Hoa tốt hơn, thu hút đầu tư của Trung Quốc nhiều hơn. Packer cho rằng người Tàu tỏ ra thân thiện hơn là người Úc đối với họ và nếu tình trạng này kéo dài, tình hữu nghị giữa hai nước sẽ bị thiệt hại.

Những lời  chấp cánh của tỉ phú Packer dành cho Trung Cộng là kết quả hơn một thập niên ông hướng doanh nghiệp tới nơi có hơn một tỉ người với rất nhiều đại triệu phú và tỉ phú. Mà người Tàu nổi tiếng chơi bảnh một khi họ giàu có, lại biết khôn khéo đưa tiền ra đầu tư bên ngoài hơn trụ tại một nơi bất ổn và không an toàn như Hoa lục.

Không biết các doanh nhân Úc và ngoại quốc có nắm vững luật lệ của Trung Cộng không, một thứ luật được diễn giải  tùy tiện và tùy người hay phe nhóm cầm quyền? Năm ngoái, mấy chục nhân viên của một sòng bài Đại Hàn cũng đã bị bắt cùng với tội danh là chiêu dụ công dân Trung Cộng ra đánh bạc ở nước ngoài.

Có người đặt dấu hỏi đây có phải là một vụ trả đũa của Bắc Kinh không. Như ông Stern Hu của công ty Rio bị bắt sau khi công ty Chinalco thất bại trong việc mua một phần lớn cổ phiếu của công ty Úc. Nay nhân vật cao cấp của Crown là Jason O’Connor bị bắt sau vụ công ty Trung Cộng bị Canberra ngăn chặn mua công ty điện lực ở New South Wales và sau đó là vụ tai tiếng của Thượng nghị sĩ Sam Dastyari, một người tỏ ra ủng hộ Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Hoặc có thể ông giám đốc Crown 47 tuổi này chỉ là nạn nhân của một vụ tranh chấp quyền lực, thanh toán nhau trong nội bộ cộng sản Tàu qua bình phong diệt trừ tham nhũng?

Có thể mọi giả thiết đều có lý. Và đây là một bài học cho chính phủ và doanh nhân Úc.

(Xã luận báo in TVTS  số 1596  phát hành ngày 26.10.2016)