Bỏ đảng, phản bội cử tri là chuyện thường ngày

01 Tháng Ba, 2017 | Bình Luận
Thượng nghị sĩ Nam Úc Cory Bernadi của đảng Tự Do đã rời bỏ đảng. (Photo courtesy: Alex Ellinghausen/ www.smh.com.au)

Thượng nghị sĩ Nam Úc Cory Bernadi của đảng Tự Do đã rời bỏ đảng. Tin này chẳng gây ngạc nhiên, vì đã có tin đồn từ cuối năm ngoái nhất là khi ông sang Hoa Kỳ theo dõi cuộc tranh cử  tổng thống Mỹ, tiếp xúc với các cố  vấn tranh cử của ông Donald Trump và tỏ ra rất ngưỡng mộ đường lối và chính sách cực kỳ bảo thủ của ứng viên Cộng hòa này nên đã đội cái mũ với logo “Make Australia great again”, bắt chước khẩu hiệu tranh cử của Trump.

Ông Bernadi vào Thượng viện được mười năm và đã trở thành một người bảo thủ có tiếng nói mạnh trong đảng nhờ dám ăn nói, dám làm. Năm 2009 ông đã đứng lên hô hào lật đổ Thủ lãnh Đối lập Malcolm Turnbull vì ông Turnbull ủng hộ thuế khí thải của Thủ tướng Lao động Kevin Rudd hồi đó.

Thượng nghị sĩ Bernadi nổi tiếng với những phát biểu cực kỳ bảo thủ và đôi khi bị các giới chức cao cấp trong đảng khiển trách. Ông từng nói  rằng cho phép hôn nhân đồng tính  sẽ dẫn đến chế độ đa thê và làm tình với súc vật. Ông cho rằng Thiên chúa giáo đang bị công hãm về mặt chính trị bởi đảng Xanh và về mặt tôn giáo bởi đạo Hồi. Song song với chủ trương giảm nhận di dân, ông chủ trương cấm người Hồi giáo mang khăn phủ đầu che mặt.

Tin đồn ông Bernadi sẽ bỏ đảng đã tràn lan vài tháng sau khi  ông thắng cử chức nghị sĩ năm ngoái. Tháng 12 vừa qua, ông đã cãi cọ với cựu Thủ tướng Tony Abbott vì cho rằng ông Abbott đã không kín miệng,  đem chuyện ông Bernadi nói riêng sẽ thành lập đảng mới xì ra bên ngoài, một điều ông Abbott bác bỏ.

Nhưng rồi khi quốc hội tái nhóm ngày đầu tiên của năm mới, ông Bernadi đã dùng diễn đàn Thượng viện để tuyên bố ông rời đảng Tự do và sẽ thành lập đảng mới, đó là đảng bảo thủ Úc (Australian Conservatives). Việc ông Bernadi bỏ đảng gây tin trang nhất trên báo chí và sự chỉ trích từ đảng của ông.

Trước hết các đồng chí của ông gọi ông là người phản bội đảng, bởi ông Bernadi ra tranh cử với danh nghĩa của đảng, được đảng chi tiền và các đồng chí tích cực vận động tranh cử cho nên ông bị gọi là kẻ phản bội thì không có gì để phàn nàn hay bào chữa.

Các đồng chí cũng trách ông tại sao không vào phòng họp của đảng để trình bày lý do mình phải rời bỏ đảng mà dùng diễn đàn Thượng viện để phân bua. Ông nói đảng Tự do không còn duy trì những giá trị bảo thủ trước đây nhưng các đồng chí cho rằng từ ngày ông ra tranh cử với danh nghĩa ứng viên đảng Tự do hồi tháng 7 năm ngoái, chính sách và đường lối đã không có gì thay đổi, vì vậy đáng lý ông thấy đảng không còn hợp với ông thì nên rời đảng trước ngày bầu cử. Và một số đồng chí khác cho rằng nếu ông là người tự trọng, biết thế nào là danh dự, thì ông phải từ chức nghị sĩ.

Đây là vấn đề của các dân cử  bỏ đảng. Chắc chắn ông Bernadi không thể trở thành một nghị sĩ nếu ông không phải là đảng viên Tự do. Nếu ông từ chức trước ngày bầu cử 2.7.2016 thì làm  sao ông có thể làm thượng nghị sĩ thêm 6 năm? Với lương bổng và phụ cấp, danh vọng và quyền thế của một thượng nghị sĩ, thì làm sao có chuyện tự nguyện rời chính trường hay từ chức để ra tranh cử nhiệm kỳ tới?

Thượng nghị sĩ Bernadi không phải là người đầu tiên từ bỏ đảng, hay nói rõ hơn, phản đảng. Các đảng viên của Tự do, Quốc gia, Lao động, Dân chủ, đảng Palmer United, One Nation đều có người bỏ đảng theo đảng khác hay đứng độc lập. Riêng đảng Tự do đã từng có một ông bộ trưởng bỏ đảng để thành lập đảng Dân chủ Úc vào năm 1977, một thời làm mưa làm gió trên chính trường liên bang vì nắm cán cân quyền lực ở Thượng viện, đã từng có 9 nghị sĩ nhưng nay không còn mống nào.

Ông Bernadi với đảng bảo thủ Australian Conservatives mà ông sẽ thành lập chắc gì dành được phiếu của đảng One Nation?  Nhưng với những trò bỏ (phản) đảng và dĩ nhiên cũng phản bội cử tri đã bỏ phiếu cho họ, nên chăng cần làm luật buộc một dân biểu hay nghị sĩ  khi bỏ đảng mà họ ra tranh cử,  thì phải từ bỏ chức vụ dân cử đó, chứ không thể theo đảng khác hay đứng độc lập. Vậy mới công bằng, mới đúng tinh thần tranh cử và ứng cử.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1612 phát hành ngày 15.02.2017)