Bức tranh dân Úc qua kiểm tra dân số 2016

19 Tháng Bảy, 2017 | Bình Luận
Photo schreenshot: Tivi Tuan-san

Cứ mỗi 5 năm đất nước chúng ta có một cuộc kiểm tra dân số. Như một bác sĩ toàn khoa cần biết sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, những nhà hoạch định chính sách quốc gia cần biết tình trạng người dân như thế nào. Kết quả phân tích đợt đầu cuộc kiểm tra dân số vừa được phổ biến cho thấy trong vòng 5 năm qua, dân số Úc đã tăng khoảng 1.9 triệu người, nâng dân số cả nước lên tới 24.4 triệu trong đó Thổ dân và người Torres Strait tăng 20% lên tới 650,000 người.

Người Việt chúng ta sau trên 40 năm đi tị nạn, đoàn tụ và di dân đã nâng dân số con rồng cháu tiên lên tới 277,000 người chiếm gần 1.2% dân số Úc (người Việt ở Mỹ chỉ chiếm 0.5% dân số). Người Việt sống tập trung vào hai thành phố lớn là Sydney, Melbourne và sau đó là Brisbane, Perth, Adelaide và Canberra. Người Việt Nam như vậy là sắc tộc đông hàng thứ sáu sau người Anh, Tân Tây Lan, Trung Hoa, Ấn Độ và Phi Luật Tân.

Trong số di dân đến Úc trong 5 năm qua, người Trung Hoa và Ấn Độ dẫn đầu, chiếm 27% tổng số di dân khắp nơi đến Úc. Người Hoa thêm 191,000 người và người Ấn thêm 163,000. Di dân Ý và Hy Lạp hơn nửa thế kỷ trước là di dân chính mang lại sự phát triển cho Úc bây giờ trở thành cộng đồng dân số còn ít hơn cả người Việt. Điều này cho thấy nước Úc ngày càng trở nên Á Châu hơn là Âu Châu. Người Hoa và Ấn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Úc với tỉ lệ di dân cao, mang theo vốn đầu tư về tài chánh lẫn kỹ năng, chưa kể mối quan hệ của họ với quốc gia gốc.

Cuộc kiểm tra dân số còn cho thấy một bức tranh đa văn không thể ngờ, đó là  có đến 49% ngườiÚc sinh đẻ ở hải ngoại hay có ít nhất một người cha hay mẹ sinh đẻ ở hải ngoại. Khác với Mỹ chỉ  có 14% dân số sinh ở hải ngoại và Anh có 13%, Úc có đến 26% người dân sinh ra ở hải ngoại. Cũng vì vậy sẽ không lạ khi có trên 300 ngôn ngữ được người Úc nói tại nhà. Như thế Úc là một trong những xã hội có nhiều chủng tộc nhất, là điều làm cho chúng ta giàu về mặt văn hóa.

Cùng với bức tranh đa văn, đa sắc tộc và đa ngôn ngữ, nước Úc còn đa tín ngưỡng với trên 100 tôn giáo khác nhau. Mặc dầu Thiên Chúa giáo (bất cứ tôn giáo nào thờ Đức Ki-tô như Công giáo, Anh giáo, Chính thống giáo, Tin lành v.v…)  vẫn còn là tôn giáo có đông tín đồ nhất (52%) nhưng tôn giáo này đã giảm tín đồ một cách đáng kể bởi năm 1966 có 88% tín đồ và năm 1991 có 74% tín đồ.

Ba tôn giáo gia tăng tín đồ nhiều đáng kể là Hồi giáo (2.6%), Phật giáo (2.4%) và Ấn giáo (1.9%) phần lớn do di dân từ các nước Trung Đông, Phi Châu và Á Châu. Nhưng cuộc kiểm tra dân số này cho thấy người vô thần hay không tin vào một tôn giáo nào chiếm đến 29.6% dân số, cao hơn cả người theo đạo Công giáo (22.6%).

Mặc dù lợi tức người dân có tăng  nhưng dân số Úc ngày càng già đi (1 trong 6 người tuổi trên 65 và hiện có  3,500 cụ trên 100 tuổi do đó sẽ gây áp lực lên tiền an sinh cho người già và y tế. Sự gia tăng dân số cũng đặt ra vấn đề gia cư và giao thông. Đây chỉ là vài nét phác họa trong bức tranh muôn màu kiểm tra dân số để các nhà nghiên cứu giúp chính phủ hoạch định chính sách đem lại sự phồn vinh và hạnh phúc cho người dân. Mỗi 5 năm phải tốn trên $400 triệu để kiểm tra, phân tích và nghiên cứu cũng đáng đồng tiền.

Đức Hồng y George Pell (giữa) ra xe sau cuộc gặp với các nạn nhân bị tấn công tình dục tại Ý vào tháng 3.2016. Photo Courtesy: Reuters

ĐHY  Pell được coi vô tội khi chưa có phán quyết

Tuần qua báo chí Úc đã chạy  trang nhất tít lớn việc Đức Hồng y George Pell bị truy tố về những tội  liên quan xâm phạm tình dục vị thành niên xảy ra khoảng 40 năm về trước, là  “bom nổ”.

Cũng không sai! Vì ĐHY Pell là người lãnh đạo Giáo hội Công giáo cao nhất Úc và hàng thứ ba trên thế giới. Với những đồ đoán, cáo buộc diễn ra trong mấy năm qua, cuối cùng đây là việc nên làm để rõ trắng đen. Chính ĐHY cũng đã tuyên bố sẽ trở về Úc ra hầu tòa để bảo vệ thanh danh của mình.

Nguyên tắc dân chủ Úc là không có ai trên pháp luật, và một người được coi vô tội cho đến khi bị phán có tội. ĐHY Pell cũng phải được đối xử như mọi người bình thường khác.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1632 phát hành ngày 05.07.2017)