Cần thêm chế tài để bảo vệ tự do báo chí?

26 Tháng Sáu, 2019 | Bình Luận
(Hình: TVTS)

Tự do ngôn luận và tự do báo chí là những giá trị cốt lõi cho một xã hội dân chủ.

Tại Úc, chúng ta nhận thấy điều đó rõ nét, với các đài truyền hình, báo chí không ngần ngai thẳng thừng chỉ trích các chính sách của chính phủ, vạch mặt chỉ tên những nhân vật quyền lực, và kể cả chỉ trích lẫn nhau. Chính vì vậy mà trong tuần qua không ít người dân cũng như các đơn vị truyền thông tỏ ra vô cùng phẫn nộ trước hai cuộc khám xét bất ngờ mà Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) thực hiện đối với phóng viên và trụ sở đài truyền hình.

Họ bày tỏ lo ngại rằng việc can thiệp của cảnh sát và sự thiếu các luật bảo vệ người đưa tin và người tiết lộ tin sẽ gây tổn hại đến nền tự do báo chí và về lâu dài là nền dân chủ Úc. Thực tế có thực sự đáng lo ngại?

Những lời phàn nàn bắt đầu dấy lên từ hôm thứ Tư, sau khi có thông tin về việc các nhân viên cảnh sát đã đến khám xét trụ sở tại Sydney của đài truyền hình quốc gia ABC, liên quan đến việc đài này công bố các tài liệu mật về hoạt động của quân đội Úc tại Afghanistan.

Trước đó một ngày, một nhóm điều tra viên AFP cũng đã vào khám xét tư gia tại Canberra của phóng viên News Corp – Annika Smethurst, liên quan đến bài báo cô chắp bút 14 tháng trước rò rỉ thông tin rằng các bộ Nội vụ và Quốc phòng cân nhắc việc cho phep các cơ quan gián điệp quyền giám sát người dân ở mức cao hơn.

Đại diện phía cảnh sát liên bang, ông Neil Gaughan khẳng định rằng, các cuộc điều tra này không phải nhắm vào vấn đề rằng công chúng có được cho biết các tin tức này không, mà mục tiêu điều tra đối với việc bảo vệ các nguồn tin với các mật mã được sử dụng cho các nội dung tối mật của quốc gia.

Ông cũng cho biết, không đối tượng nào trong cộng đồng có thể miễn nhiễm hoàn toàn với các thể loại điều tra này, kể cả các cơ quan truyền thông hay chính trị gia. Như vậy, theo luận điểm của cảnh sát, các cuộc bố ráp không phải là chiến dịch chống lại truyền thông hay tự do báo chí, mà đơn thuần là thực hiện các bước thiết yếu trong điều tra về an ninh quốc gia.

Tất nhiên chúng ta không muốn bất cứ điều gì gây tổn hại đến an ninh quốc gia, không muốn các tin tức bị rò rỉ có thể đưa nước Úc và người dân Úc vào tình thế bất lợi. Điều đó không đồng nghĩa với việc không có chế tài bảo vệ đối với phóng viên và các nguồn cung cấp tin, nếu như các tin tức đó phục vụ người dân, giúp làm sáng tỏ những mảng tối mà người dân xứng đáng được cho biết. Ví dụ như trong hai trường hợp mà cảnh sát bố ráp trên, việc phát hành những tin này hầu như chẳng có gì đi ngược lại an ninh quốc gia và hoàn toàn nằm trong vòng lợi ích công chúng.

Theo luật sư truyền thông Justin Quill, những phóng viên công bố các tin tức ‘mật’ này không loại trừ việc có thể sẽ phải đối mặt với tòa án và thậm chí là nhận án tù. Mặc dù Đạo luật Bảo mật hiện tại có đưa ra những ngoại lệ, trong đó bao gồm việc công bố thông tin dựa trên lợi ích công chúng, cho đến nay chúng ta vẫn không có một định nghĩa nhất định về cái gọi là “public interest” này, bởi đó là một khái niệm trừu tượng và hoàn toàn có thể theo thơi gian. Đây chính là khó khăn lớn đối với các phóng viên cũng như những người tiết lộ thông tin trong việc bảo vệ cho việc làm của mình.

Trên thực tế, câu chuyện về cảnh sát bố ráp để điều tra các nguồn tin bị rò rỉ thực ra không phải là sự kiện gì mới mẻ. Chúng ta đã từng thấy cảnh sát khám xét Tòa nhà Quốc hội liên quan đến lộ thông tin về mạng NBN hồi năm 2016, hay việc khám xét văn phòng Bộ Nội vụ để tìm nguồn rò rỉ việc cấp visa cho hai người trông trẻ ngoại quốc mới trong năm ngoái.

Đồng ý rằng, luật lệ và giới hạn là cần thiết, để đảm bảo trật tự và an ninh quốc gia. Nhưng chúng ta cũng cần một nền báo chí độc lập, không bị chi phối bởi các quyền lực chính trị.

Vì vậy, những phóng viên, những cơ quan báo đài, và những người tiết lộ tin tức – một khi việc làm của họ dựa trên lợi ích của công chúng và không gây hại đến lợi ích quốc gia, họ xứng đáng được bảo vệ.

(Trích từ báo in TVTS số 1733 phát hành ngày 12.6.2019)