Chính phủ Úc cần mạnh tay hơn nữa trước đại dịch covid-19

01 Tháng Tư, 2020 | Bình Luận
Người gốc Á đeo khẩu trang ở tại thành phố Melbourne. Hình: Reuters

249 ca nhiễm coronavirus được thống kê trên khắp nước Úc tính đến thời điểm tối ngày Chủ nhật 15/3. Con số tử vong đã lên tới 5 người. Và với tình hình diễn biến dịch quá chóng vánh như hiện nay, con số này không biết sẽ còn lên đến bao nhiêu. Trong khi chỉ ít ngày trước đó thôi Thủ tướng Scott Morrison còn bình tĩnh nói rằng “tôi vẫn sẽ đi xem footy”, thì hôm Chủ nhật, ông đã phải thay đổi ngược lại và đưa ra những biện pháp mới thực sự khắc nghiệt hơn.

Bắt đầu từ ngày 16/3, bất cứ ai đi tới hoặc trở về Úc, bất kể quốc tịch, đều sẽ phải tự cách ly trong vòng 14 ngày, các sự kiện không quan trọng được giới hạn ở mức tối đa 500 người tham dự. Trong khi đó người dân được khuyến cáo hạn chế tối thiểu tiếp xúc với cộng đồng và giữ khoảng cách ít nhất 1.5 mét.

Câu hỏi đặt ra là, biện pháp mạnh được đưa ra lúc này liệu đã quá trễ, và liệu có đủ? Hẳn là có phần trễ, bởi có lẽ cũng như nhiều người, chính phủ Úc chưa thực sự nhìn nhận đúng mức độ lây lan và tàn phá kinh hoàng của Covid-19, cho tới khi nó tung hoành ở châu Âu, khiến một trong những quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến là Ý hoàn toàn vỡ trận và phải phong tỏa toàn quốc với hơn 60 triệu dân.

Coronavirus từ Vũ Hán là một chủng virus hoàn toàn lạ, và nó tấn công bất ngờ. Nó khiến người người bàng hoàng, sợ hãi, rồi lại nghi ngờ liệu nó có đáng sợ như truyền thông loan báo. Các nước phương Tây tự tin là có ngành y tế phát triển bậc nhất, cho rằng tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 gây ra là thấp, do đó mà chưa thực sự chủ động chăng? Đến thời điểm hiện tại, mối hiểm họa từ đại dịch đã rành rành trước mắt, nó đã gõ cửa từng nhà và không kể bất cứ ai, từ nguyên thủ quốc gia đến những em bé và các bậc cao niên.

Điều khẩn thiết lúc này, đó là phải áp dụng mọi biện pháp cứng rắn nhất có thể để ngăn chặn sự lây lan. Bởi ta biết rằng, dù hệ thống y tế có tối tân đến đâu chăng nữa cũng không thể nào trụ nổi một khi con số ca nhiễm mới lên đến hàng trăm hay hàng nghìn mỗi ngày. Bằng cách làm chậm lại mức độ lây nhiễm, chúng ta có thể có đủ thời gian và nguồn lực để điều trị cho người bệnh, để cứu sống mạng người, để mua thêm thời gian cho tới khi các nhà khoa học chế tạo được chủng ngừa để loại bỏ virus một cách triệt để.

Việc tất cả mọi người tới Úc phải tự cách ly 14 ngày là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên cái khó là làm thế nào để đảm bảo điều này được tuyệt đối tuân thủ. Chính phủ hiện trông đợi vào ý thức của mỗi cá nhân, trong khi vẫn đưa ra mức tiền phạt nặng nếu như phát hiện ra trường hợp vi phạm. Người dân cũng được kêu gọi báo cáo lên cơ quan thẩm quyền nếu nhận thấy hàng xóm hay đồng nghiệp phá vỡ lệnh tự cách ly. Nhìn chung, lệnh này hiện dựa trên ý thức cá nhân là chủ yếu, và do đó khó có thể đảm bảo một hiệu quả chắc chắn.

Tuy nhiên, đây là thời điểm mà chúng ta không thể chơi trò phỏng đoán đỏ đen và chờ đợi sự may mắn. Nếu chính phủ không đưa ra được biện pháp khắt khe để đảm bảo toàn bộ người tới Úc tự cách ly hai tuần lễ, thì sẽ cần phải cân nhắc áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ châu Âu, nơi mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi là tâm dịch mới của thế giới. Ngoài ra, các cơ quan y tế cần mau chóng tăng cường cung cấp thiết bị xét nghiệm virus để thúc đẩy quá trình chẩn đoán và phát hiện bệnh, từ đó giúp nhanh chóng phát hiện các nguy cơ lây nhiễm và ngăn chặn sớm.

Cũng trong tuần qua, chính phủ đã thực hiện một động thái tích cực trong lĩnh vực tài chính, đó là cung cấp gói hỗ trợ 17.6 tỷ Úc kim để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, giúp những doanh nghiệp nhỏ và người lao động trước tình trạng thiếu việc làm.

Còn đối với mỗi cá nhân chúng ta thì sao? Không hoảng hốt, chúng ta hãy cứ chăm sóc bản thân mình để tăng sức đề kháng và thực hiện đề phòng một cách cẩn trọng. Tránh nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người khác, chăm rửa tay. Đây là một thời gian đầy thách thức, nhưng hãy tự nhủ rằng, “mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi”!.

(Trích từ báo in TVTS số 1773 phát hành ngày 18.3.2020)