Chuyện cờ vàng…

15 Tháng Hai, 2017 | Bình Luận
(Hình: TVTS)

Vào ngày 8 tháng Giêng năm nay, cô ca sĩ Mai Khôi được một số người Việt ở Washington DC mời sang Hoa Kỳ trình diễn trong một chương trình nhạc thính phòng có chủ đề “Trói vào tự do”. Cô đã từ chối không chào cờ vàng hay đứng, ngồi gần cờ vàng. Ông bà mình có câu “nhập gia tùy tục” nhưng nếu ban tổ chức đã không giữ lời cam kết (nếu có) với cô như cô nói thì cô cứ việc từ chối vào hội trường. Tuy nhiên cô không nên yêu cầu phải đem cờ vàng đi nơi khác.

Cô cũng không nên nói những lời xấc xược “có ba điều tôi không muốn dính vào, đó là cờ vàng, Việt Tân, tham gia tổ chức nào đó”  hay cho rằng cô không thích cờ vàng vì chính quyền của cờ vàng dù được trang bị đầy đủ vũ khí bom mìn tối tân nhất thế giới vẫn để mất nước.

Ban tổ chức có lẽ muốn tạo tên tuổi cho họ khi mời một ca sĩ “nổi tiếng” đến trình diễn vì Mai Khôi từng ra ứng cử quốc hội của nhà nước cộng sản Việt Nam,  được ngồi gần Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một buổi hội thảo. Nhưng ban tổ chức có tìm hiểu cặn kẽ về con người của ca sĩ này không? Về tài năng nghề nghiệp cũng như quá trình đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền?

Và khi cô này đã từ chối vào thính phòng nơi có cờ vàng thì tại sao lại vẫn tiếp tục nài nỉ cô vào và chấp nhận mang lá cờ vàng đi nơi khác? Sự nhượng bộ này thật không thể chấp nhận, là một sự thiếu kính trọng đối với lá cờ mà ban tổ chức trân trọng, quá trân trọng để rồi chỉ vì một buổi nhạc thính phòng có vài chục người đến dự mà tạo nên “sự cố”!

Mai Khôi là một ca sĩ gây nhiều tai tiếng, báo chí ở Việt Nam đã viết khá nhiều.  Cô ca sĩ được mệnh danh “Lady Gaga Vietnam” từng tuyên bố vung vít nhiều chuyện và bị chỉ trích khá nhiều ấy thế mà được đón tiếp như một nhà  tranh đấu có tầm vóc. Trách cô ta một, trách ban tổ chức mười. Việc phải nhượng bộ cô ta, đem cờ vàng và cờ Mỹ đi nơi khác để nghe cô hát những bài bình thường nếu không muốn nói tầm thường, chứng tỏ ban tổ chức đã có nhận thức sai về người và việc. Đây là một kinh nghiệm cho những tổ chức về sau.

Nhân đây, chúng ta nên đặt lại vấn đề khi nào thì nên có chào cờ vì chào cờ là một nghi thức trang trọng và linh thiêng, không thể bất cứ một cuộc họp hay gặp gỡ nào cũng có chào cờ hay phải chào cờ, treo cờ, mặc niệm. Nhất là khi tiếp những người trong nước ra hải ngoại sinh hoạt với cộng đồng chống cộng như trường hợp ca sĩ Mai Khôi! Và nếu một tổ chức tư nhân có chào cờ, thì là sự tự nguyện chứ không thể ép buộc.

… và ngày quốc khánh

Trong khi cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại bàn tán về chuyện cờ thì người Úc cũng bàn chuyện ngày quốc khánh.

(Hình: Supplied)

Đúng vào ngày quốc khánh Úc, cựu Bộ trưởng và cựu dân biểu Đảng Quốc gia Tự do Ian Macfarlane viết bài đăng báo cho rằng nên dời Australia Day (quốc khánh) hiện nay qua một ngày khác để cả nước có thể mừng vui với nhau và do đó có thể tạo sự hòa giải và làm cho đất nước này vĩ đại hơn.

Ông Macfarlane tự cho mình là một người bảo thủ, Úc gốc hồng mao nhưng nói rằng ông đã có sự thay đổi trong  lối suy nghĩ nên thấy  mừng ngày 11 chiếc tàu chở phạm nhân của Đế quốc Anh đến Úc là ngày quốc khánh thì chẳng khác gì người Tô Cách Lan mừng hành động hiếp dâm và cướp bóc của người Vikings hay sự tấn công của người Anh đối với người Tô Cách Lan. Vì liên tưởng đến kinh nghiệm của tổ tiên mình nên ông cựu bộ trưởng và cựu dân biểu bảo thủ quyết định sẽ gia nhập hàng ngũ những người cấp tiến đòi thay đổi ngày mừng quốc khánh hiện nay, ngày bị một số người gọi là “ngày xâm lăng” (đất của Thổ dân).

Lãnh tụ Đảng Quốc gia Tự do kiêm Phó Thủ tướng Barnaby Joyce  nói những người nào không chấp nhận ngày Australia Day hiện nay thì cứ đi làm việc bình thường hay làm chuyện khác chớ có bày trò mị dân (political correctness). Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng cho rằng mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến nhưng ông tin hầu hết người Úc chấp nhận ngày 26 tháng Giêng là Ngày Quốc Khánh Úc.

Như trong bài xã luận trước, TiVi Tuần-san đồng ý với hai ông.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1610 phát hành ngày 01.02.2017)