Công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

02 Tháng Một, 2019 | Bình Luận
Khu Temple Mount/Haram al-Sharif là địa điểm linh thiêng ở Jerusalem. Photo Courtesy: Reuters

Thủ tướng Scott Morrison vừa tạo ra một khuấy động lớn trong chính sách ngoại giao của Úc đối với khu vực Trung Đông khi công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel trong bài phát biểu của mình hôm thứ Bảy. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Úc cũng khẳng định sẽ chưa vội dời Đại sứ quán Úc tại Israel hiện đang được đặt tại Tel Aviv sang tới Tây Jerusalem, mà cho biết sẽ đợi tới khi một thỏa thuận hòa bình đạt được giữa hai bên Israel và Palestine. Như vậy, Úc đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới theo bước Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận thành phố này là thủ đô của Israel. Tuy nhiên TT Morrison đã tỏ ra thận trọng hơn và cố gắng giữ một mức ‘hòa khí’ nhất định bằng cách khẳng định ủng hộ một viễn cảnh với Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.

Phe đối lập gay gắt tấn công, chỉ trích quyết định của TT Morrison, lãnh đạo Đảng Lao động Bill Shorten nói rằng “… điều tôi lo sợ là ông ta [Morrison] đã làm nước Úc trở nên ngớ ngẩn trong mắt cộng đồng quốc tế”. Nhiều ý kiến khác tỏ ra lo sợ tuyên bố này sẽ gây nhiều bất lợi cho Úc, đặc biệt là mối quan hệ ngoại giao với người hàng xóm Indonesia. Ngược lại,  TiVi Tuần-san hoan nghênh hành động này của Scott Morrison, bởi công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel chính là công nhận thực tế Jerusalem là thủ đô của người Do Thái hàng nghìn năm qua. Và, nước Úc hoàn toàn có khả năng tự quyết định chính sách ngoại giao của mình một cách độc lập. Bằng cách đưa ra tuyên bố chính thức này, Scott Morrison cũng đã thể hiện quan điểm nhất quán về vấn đề ngoại giao với Israel như khi ông gợi ý trước cuộc bầu cử bổ sung Wenthworth hồi tháng 10.

Liệu tuyên bố của Thủ tướng Morrison có đe dọa đến quan hệ ngoại giao của Úc hay không? Trong khi quyết định này từ nhà lãnh đạo Úc được nhà nước Do Thái Israel nhiệt liệt ủng hộ, nó ngược lại khiến quốc gia đạo Hồi Indonesia vô cùng nổi giận. Khi Thủ tướng Morrison ngỏ ý chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới Tây Jerusalem cách đây 2 tháng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thể hiện sự phản đối bằng cách trì hoãn các cuộc đàm phán thương mại tự do trị giá hơn 16 tỷ đô. Tuy nhiên với tuyên bố mà thủ tướng đưa ra hôm thứ Bảy rằng Đại sứ quán Úc vẫn duy trì tại Tel Aviv cho tới khi đạt được thỏa thuận hòa bình, phía Indonesia đã đón nhận một cách khá nhẹ nhõm. Scott Morrison đã rất thận trọng để tránh xung đột với quốc gia Hồi giáo này.

Thế còn, việc Úc công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel có khiến cản trở tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine không? Câu trả lời là không. Bởi tiến trình hòa bình giữa hai khu vực này đang trong tình trạng “đóng băng”, hay nói một cách khác là, chẳng có tiến trình hòa bình nào đang diễn ra để mà cản trở. Sau khi  Bạch Ốc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel năm 2017 mà không đề cập đến khả năng Đông Jerusalem có thể là thủ đô của Palestine trong tương lai, chính quyền Palestine đã tức giận và tuyên bố không chấp thuận vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng như từ chối tham gia các cuộc thương lượng hòa bình. Kể từ năm 1967 khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu cho đến nay, diễn biến hòa bình dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Palestine với nhóm khủng bố Hamas vẫn tiếp tục hoành hành, ném bom, bắn hỏa tiễn trên dải Gaza. Israel cũng đánh trả ác liệt và không có dấu hiệu nhượng bộ. Kết cục vẫn chỉ là cái chết của hàng ngàn dân thường và những trận đánh thường xuyên đến nỗi tin tức về nó được coi như là chuyện cơm bữa.

Thủ tướng Morrison khẳng định giải pháp hai nhà nước là giải pháp duy nhất cho tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Nhà nước Úc ủng hộ lãnh đạo hai phía cùng đàm phán và đưa ra một phương án hợp lý nhất. Tất nhiên, với mức độ hung hăng của cả hai phía như hiện này, một thỏa thuận hòa bình có lẽ quá xa vời. Cũng phải nói thêm một chút về Scott Morrison, kể từ khi lên nắm giữ vai trò Thủ tướng Úc, ông đã tỏ ra là có chính kiến khá kiên định trong các vấn đề ngoại giao. Mới đây, ông cũng đã từ chối cam kết thỏa thuận về nhập cư của Liên hợp quốc, với lý do không muốn để liên hợp quốc can thiệp vào các chính sách nhập cư của Úc.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1708 phát hành ngày 19.12.2018)