Cuộc vượt biên hi hữu của 3 gia đình Việt Nam

14 Tháng Sáu, 2017 | Bình Luận
3 gia đình Việt Nam vượt biên bị kẹt ở Nam Dương vui mừng đón nhận tin được LHQ cấp qui chế tị nạn hôm 23.52017. Photo courtesy of Shira Sebban

Năm 2015 có ba gia đình ngư dân ở Bình Thuận vượt biên sang Úc nhưng chưa tới nơi thì đã bị Hải quân Úc chận lại. Thời đó, Chính phủ Tự do của Thủ tướng Tony Abbott bắt đầu áp dụng chính sách  bảo vệ biên  cương với khẩu hiệu “Vô Phương”, có nghĩa những người đến Úc bằng thuyền sẽ không bao giờ được cho định cư ở Úc.

Trong thời gian nhóm người vượt biên này bị giữ trên tàu Hải quân Úc để chuẩn bị đưa trở về Việt Nam, Cộng đồng Người Việt Tự do Úc Châu đã  lên tiếng phản đối nhưng chính phủ Úc cho biết những người bị đưa về Việt Nam sẽ không bị trừng phạt, được phép hội nhập trở lại với cộng đồng, sinh hoạt bình thường.

Nhưng những lời hứa bảo đảm của chính phủ Úc đối với những người bị đưa về Việt Nam đã không được thực thi. Khoảng giữa năm 2016, bà Trần Thị Loan bị tòa án Bình Thuận tuyên phạt 30 tháng tù giam, chồng bà là Hồ Trung Lợi bị phạt 24 tháng tù về tội danh tổ chức vượt biên. Bà Trần Thị Lụa bị  phạt 30 tháng tù. Riêng bà Trần Thị Phúc thì chỉ bị phạt hành chánh  do không phải là người tổ chức vượt biên.

Cả hai bà Loan và Lụa đều được hoãn chấp hành án tù đến tháng 7 năm 2017 vì lý do nuôi con nhỏ dại và có chồng đang bị tù. Nhưng trong những ngày đầu năm tết âm lịch vừa qua, cả ba bà đã tổ chức vượt biên và qua ngày mồng 4 tết, bà Loan và bà Lụa báo cho luật sư Võ An Đôn (người đã biện hộ cho họ) rằng họ hiện đã qua khỏi lãnh hải của Nam Dương và đang tiến vào Úc.

Hai bà  cho biết nếu bị Úc đưa trở lại Việt Nam thì họ sẽ nhảy xuống biển chết chứ không trở về Việt Nam để vào tù. Luật sư Đôn nói ông rất bị sốc khi nghe tin các bà lại vượt biên, bởi nếu bị Úc trả về họ sẽ phải đối phó với bản án cũ và mới tổng cộng có thể lên tới 7 đến 10 năm tù.

Xui nhưng cũng may cho ba gia đình gồm 18 người lớn và trẻ con này, chiếc thuyền bị hỏng máy và trôi dạt vào đảo Java của Nam Dương. Chính quyền sở tại chấp nhận cho họ nhập trại tị nạn chờ phái đoàn Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc phỏng vấn đơn xin tị nạn của họ như bao nhiêu người tầm trú khác.

Và tuần qua, có tin cả ba gia đình   Bình Thuận đã qua được thanh lọc và đã được Cao ủy Tị nạn LHQ  cấp phát giấy tờ xác nhận tư cách tị nạn của họ.  Nói chuyện trên chương trình “Thời Sự Trong Tuần” của TiVi Tuần-san Online tuần qua, Luật sư Nguyễn Tân Hải cho rằng việc các bà Bình Thuận được nhìn nhận tư cách tị nạn cũng dễ hiểu bởi vì một người được coi là tị nạn nếu khi trả về quê quán bị chính quyền đàn áp, bách hại.  Việc các bà bị án tù và đã thọ án vài tháng trước khi được cho tại ngoại để nuôi con nhỏ chứng tỏ nếu lần này bị trả về, họ lại sẽ bị bỏ tù với án nặng hơn nữa.

Tin Cao ủy Tị nạn LHQ cấp quy chế tị nạn là một tin mừng cho ba gia đình Bình Thuận và cũng là cái tát vào mặt nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Chính quyền Việt Nam hứa với Úc sẽ không trừng phạt những người vượt biên bị trả về nhưng đã nuốt lời. Ngoài ra, cũng cho thấy chính phủ Úc đã thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ những người tầm trú bị họ ép buộc và giao cho nhà cầm quyền Việt Nam.

Cảnh sát Anh phong tỏa khu vực xảy ra vụ nổ ở thành phố Manchester ngày 22.5. Photo courtesy: Reuters

Cần nói đích danh khủng bố

Vụ khủng bố giết 22 thường dân phần lớn là trẻ con và phụ nữ đi xem văn nghệ tại Thành phố Manchester ở Anh quốc tuần qua nằm trong chuỗi khủng bố do những người Hồi giáo hiếu chiến và quá khích gây nên kể từ  ngày tòa tháp đôi ở Nữu Ước bị đánh sập.

Nhưng phần lớn nhà chức trách hay lãnh đạo các chính phủ nơi xảy ra đã không dám nói đúng tên hay xuất xứ của những vụ khủng bố này. Họ tránh nói đến hai chữ Islamist terrorist bởi sợ mất lòng, đụng chạm tôn giáo. Nhưng thực tế những kẻ khủng bố đó nhân danh tôn giáo của họ hay hành động dưới sự chỉ đạo của Nhà nước Hồi giáo.

Nếu không biết rõ nguồn gốc khủng bố thì làm sao chống trả hay ngăn chận? Khi biết rõ rồi thì kêu gọi cộng đồng liên hệ tiếp tay chấm dứt khủng bố nhân danh tôn giáo.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1627 phát hành ngày 31.05.2017)