Đồng minh Úc Mỹ trước bước ngoặt lịch sử

09 Tháng Mười, 2019 | Bình Luận
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng bà Melania đón tiếp vợ chồng thủ tướng Úc, Scott Morrison tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 20/9. (Photo courtesy: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trưng bày một màn tiếp đón vô cùng trọng thể và có thể nói cũng rất đặc biệt đối với Thủ tướng Úc Scott Morrison trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ lần này. Morrison là vị lãnh đạo nước ngoài thứ hai được mời sang thăm cấp nhà nước dưới thời Tổng thống Trump trong gần ba năm qua, và cũng là lần đầu tiên một thủ tướng Úc tham dự quốc yến tại Tòa Bạch Ốc kể từ thời John Howard năm 2006. Bởi vậy, đây được coi là một sự kiện hiếm hoi và mang tính chất rất quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao giữa Úc và đồng minh Mỹ. Tuy nhiên nó cũng cho thấy những thách thức không hề nhỏ đối với nước Úc trong vai trò đồng minh của Mỹ – bởi đây là một mối quan hệ luôn đi kèm điều kiện.

Chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Úc tới Bạch Ốc lần này diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ ngoại giao của Mỹ ngày càng căng thẳng. Cuộc chiến mậu dịch Mỹ Trung vẫn đang kéo dài mà chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi xung đột với Iran đang trên đà gia tăng sau khi Mỹ cáo buộc nước này đứng sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu lớn của Ả Rập Xê Út. Cuộc gặp gỡ long trọng với đồng minh thân cận Úc-  là nước đã đồng hành cùng Washington trong hơn một thế kỷ qua trong hầu hết các hoạt động quân sự quốc phòng, kinh tế chính trị-  như là một lời nhắn nhủ của Trump tới thế giới, tới các quốc gia thù địch rằng Mỹ có thừa đủ tiềm lực và có những hỗ trợ chắc chắn, trung thành từ phe đồng minh nếu cần những biện pháp đáp trả mạnh bạo.

Trump tỏ ra rất cương quyết trong quan điểm với Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh, “theo một cách nào đó là mối đe dọa đến toàn thế giới”, cũng cho biết sẽ không dừng lại cuộc chiến tranh thương mại cho tới khi đạt được một thỏa thuận tối ưu và hoàn thiện. Trong khi đó tổng thống Mỹ cũng lớn tiếng đe dọa Iran, khiêu khích rằng việc tấn công Iran bằng vũ lực là việc quá đơn giản mà ông có thể ra lệnh ngay lập tức, tuy nhiên “chứng tỏ sự kiềm chế là chứng minh sức mạnh”, nên Trump vẫn chưa cho thấy một quyết định chắc chắn về hành động tiếp theo.

Thực ra đối với Úc, cho dù là đồng minh với Mỹ, và sự kiện lần này nhằm đánh dấu và củng cố mối quan hệ thắt chặt hàng thế kỷ, nhưng những quan tâm và xích mích của Bạch Ốc hoàn toàn không phải là các ưu tiên của Canberra. Ngược lại việc kéo dài cuộc chiến mậu dịch hay nổ ra chiến tranh tại Trung Đông đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nước Úc. Chúng ta đặc biệt không muốn rơi vào thế đối đầu với Bắc Kinh bởi đây là đối tác thương mại hàng đầu, là nguồn của cải cho nước Úc, và chúng ta cũng chẳng muốn dính líu quân sự hay chiến tranh với Iran.

Do đó, những phát biểu của Thủ tướng Morrison cũng chỉ giữ trong một khoảng cách rất dè dặt và giữ vững lập trường của Úc bao lâu nay. Vị lãnh đạo Úc một mặt đứng về phía Mỹ cho rằng Trung Cộng cần dừng lại các hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ và thay vào đó hoạt động dựa trên nguyên tắc quốc tế chung, mặt khác kêu gọi hai bên cùng sớm đi đến thỏa thuận để mang lại lợi ích cho các phía liên quan. Còn đối với vấn đề Iran, TT Morrison cũng chỉ có thể bình luận về phản ứng của Mỹ là “kiềm chế” và chừng mực, thể hiện thái độ ủng hộ việc tránh các tấn công về quân sự. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta cũng đã tham gia khá sâu trong vai trò cùng phe với Mỹ trên mặt trận này, với việc Úc hứa cung cấp một máy bay giám sát, một con tàu tuần tra và đưa quân tham gia liên minh quân sự giám sát hải lộ trên eo biển Hormuz.

Ngồi cùng phe với Mỹ, coi Mỹ là bạn, là đồng minh, và cũng là ‘người bảo vệ’, điều đó đồng nghĩa với việc nước Úc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo hậu thuẫn người anh cả này, cho dù lập trường có thể khác biệt. Chúng ta không tự nhiên trở thành đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ, và Trump cũng không tự nhiên thiết đãi cấp cao thủ tướng Úc chỉ vì “tình giao hữu”. Với những mâu thuẫn Trung – Mỹ ngày càng gia tăng đến tột đỉnh, với những mối căng thẳng đang lên trên vùng vịnh Ba Tư, liệu Úc có thể mãi đứng vững ở thế trung gian hay phải chọn hẳn một bên?

(Trích từ báo in TVTS số 1748 phát hành ngày 25.9.2019)