Giáo hội Công giáo phản ứng với đề nghị của ủy ban hoàng gia

10 Tháng Một, 2018 | Bình Luận
Ủy ban hoàng gia đã hoàn tất tường trình cuối cùng 17 tập dày hàng ngàn trang qua đó đưa ra 409 đề nghị trong đó có hai đề nghị mà hai vị tổng giám mục cao cấp hàng đầu của Giáo hội Công giáo Úc đã lên tiếng bác bỏ ngay. (Photo: Royal Commission into Institutional Responses to Child Sexual Abuse/Handout via Reuters)

Lạm dụng tình dục đối với trẻ em (child sexual abuse) có thể đã xảy ra hàng trăm hay hàng ngàn năm tại các định chế tôn giáo, nhà nước, tư nhân và ngay cả trong gia đình.  Nhưng chỉ đến cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, người ta mới đặt vấn đề, điều tra với sự nhập cuộc của nhà chức trách. Lạm dụng tình dục trẻ em đã mang tai tiếng cho các giáo hội, đặc biệt là giáo hội  Công giáo ở nhiều quốc gia tây phương như Ái Nhĩ Lan, Hoa kỳ và Úc Đại Lợi.

Trước áp lực của dư luận, Thủ tướng đương thời Julia Gillard đã quyết định cho thành lập ủy ban điều tra về sự lạm dụng trẻ con trong các định chế tại Úc chữ Anh có tên Royal Commission into Institutional Responses to Child Sexual Abuse.

Tại Úc, ủy ban hoàng gia mở cuộc điều tra công khai và có quyền hạn rất lớn thường được chủ tọa bởi các quan tòa hồi hưu hay tại chức. Vì sự tốn kém và quyền hạn của ủy ban hoàng gia nên các chính phủ liên bang và tiểu bang rất thận trọng khi quyết định cho thành lập ủy ban điều tra hoàng gia. Dù các đề nghị (recommendation) của ủy ban rất có ảnh hưởng nhưng các chính phủ có thể thi hành (đưa vào luật) một số hay tất cả các đề nghị đó. Cũng có lúc chính phủ hầu như lơ luôn các đề nghị của ủy ban hoàng gia.

Vào trung tuần tháng này, sau 5 năm làm việc với chi phí $342 triệu đô la, có khoảng 8000 người ra làm chứng, hơn 2000 người bị ủy ban đưa qua cho cảnh sát điều tra, ủy ban hoàng gia đã hoàn tất tường trình cuối cùng 17 tập dày hàng ngàn trang qua đó đưa ra 409 đề nghị trong đó có hai đề nghị mà hai vị tổng giám mục cao cấp hàng đầu của Giáo hội Công giáo Úc đã lên tiếng bác bỏ ngay.

Về đề nghị giáo  hội hãy để cho các linh mục được tự nguyện độc thân thay vì bắt buộc như hiện nay, Tổng giám mục Anthony Fisher của Tổng giáo phận Sydney cho rằng vấn đề linh mục độc thân hay lập gia đình là chuyện đã được tranh luận từ lâu và sẽ còn tranh luận nhưng trong những giáo hội  mà các linh mục được phép lập gia đình, nạn lạm dụng tình dục trẻ em vẫn xảy ra. Nó xảy ra không những trong các định chế tôn giáo mà tại các định chế nhà nước, tư nhân và ngay cả trong gia đình nữa, đó là vấn đề cá nhân cho nên bỏ luật độc thân đối với các linh mục Công giáo không giải quyết vần đề.

Liên quan đến đề nghị các linh mục phải báo cáo khi có một người xưng tội trong tòa giải tội liên quan đến việc lạm dụng trẻ em nếu không sẽ bị khép tội và sẽ bị truy tố, Tổng giám mục Denis Hart của Tổng giáo phận Melbourne nói sự bảo vệ phép giải tội phải được tôn trọng vì “Xưng tội trong đạo Công giáo là một sự đối diện cách thiêng liêng với Thượng đế qua vị linh mục”. Tổng giám mục Hart nói xưng tội là “một phần cơ bản về tự do tôn giáo được luật pháp Úc và rất nhiều quốc gia trên thế giới công nhận”. Và như để khẳng định quyết tâm của mình, vị lãnh đạo khoảng  1.5 triệu người Công giáo tại Melbourne nói: “Nhiệm vụ  thiêng liêng của tôi là bảo vệ bí tích giải tội”. Theo Đức cha Hart, bên ngoài tòa giải tội nếu biết có sự lạm dụng tình dục trẻ em thì chắc chắn phải báo cáo với nhà chức trách.

Sẽ có một số đề nghị của ủy ban hoàng gia không được chính phủ  thi hành. Hai đề nghị vừa nói trên chắc chắn Giáo hội Công giáo Úc sẽ không bàn thảo vì các vị lãnh đạo giáo hội này bác bỏ. Mặc dầu tỉ lệ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục  xảy ra ở mức độ cao nhất đối với Giáo hội Công giáo, sau đó Giáo hội Anh giáo và Đạo quân Cứu thế (Salvation Army), lạm dụng tình dục cũng xảy ra ở trường học, nơi chăm sóc tại gia, trại giam giữ thiếu niên, các câu lạc bộ thể thao v.v…

Tuy Giáo hội Công giáo chiếm tỉ lệ cao về nạn lạm dụng tình dục trẻ em nhưng giáo hội gần đây đã có những cố gắng để cải thiện khi thừa nhận công khai đã có những vị lãnh đạo cao cấp vô tình không quan tâm hay bao che. Nhiều vị đã bị trừng phạt, có vị đang đối diện với pháp luật. Nhưng không vì những chuyện này  mà chúng ta buộc một tôn giáo phải thay đổi niềm tin (phép giải tội) hay truyền thống lâu đời (linh mục độc thân) của họ. Chớ để thần quyền đối đầu thế quyền.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1657 phát hành ngày 27.12.2017)