Hiến pháp: Các chính trị phải làm gương

13 Tháng Chín, 2017 | Bình Luận
Nội các Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull. (Photo courtesy: Reuters/ File Photo)

Trong vòng một tháng qua, chính trường Úc bỗng nhiên nổi sóng gió vì một chuyện tưởng như trò đùa: một số các vị dân cử của lưỡng viện quốc hội bỗng nhiên bị rơi vào tình trạng “bất hợp pháp” khi đang ngồi ở tòa nhà quyền lực của quốc gia bởi một lý do không ai có thể ngờ tới: có song tịch mà phần lớn do ngoài ý muốn! Trước đây khá lâu, thỉnh thoảng người ta cũng nói về nguồn gốc và quốc tịch của những vị dân cử nổi tiếng,  các vị tổng trưởng, thậm chí của cả thủ tướng nữa.

Chẳng hạn trường hợp của bà cựu hủ tướng Julia Gillard, con của một di dân từ Anh, đến định cư ở Úc  khi mới năm tuổi. Bà Gillard sinh ở Vương quốc Anh đương nhiên là công dân Anh và có quốc tịch Anh. Định cư ở Úc, bà nhập tịch Úc như mội di dân và người tị nạn khác. Rồi bà Gillard ứng cử vào quốc hội, làm thủ tướng.  Khi cầm quyền, bà Gillard bị tấn công rất nhiều, về nhiều chuyện nhưng không nghe ai đặt vấn đề quốc tịch gốc của bà, liệu bà đã làm đơn khước tịch chưa, và liệu bà có hợp pháp không khi làm thủ tướng? Nay bà đã rời chính trường.

Không phải chỉ một mình bà Gillard sinh ở Anh. Cựu Thủ tướng Tony Abbott cũng sinh tại Anh quốc. Trong vai trò dân biểu ghế sau hiện nay, ông “tự khai” rằng ông đã từ bỏ quốc tịch nơi ông sinh đẻ từ lâu. Nhưng tại sao các chính trị gia tại chức lại phải lo ngại, bận rộn với chuyện quốc tịch của họ đến thế? Cũng bởi hai thượng nghị sĩ của đảng Xanh phát hiện họ có song tịch, được báo chí đưa tin cho cả nước biết và rồi họ đã nhanh chóng “tự  xử” bằng cách tuyên bố từ chức, dù phải đau lòng hay miễn cưỡng làm việc này.

Thế rồi có tin các dân biểu nghị sĩ các đảng Tự do, Lao động, Một Nước, độc lập, Quốc gia có song tịch.  Các vị dân cử của các đảng nói quanh co về sự việc họ bị có quốc tịch nước khác ngoài ý muốn nên thủ lãnh đảng Xanh đã yêu cầu các vị dân cử đó hãy “tự xử” như  hai thượng nghị sĩ đảng Xanh bởi không lẽ có hai thứ luật pháp cho những nhóm người khác nhau sao.

Thượng nghị sĩ Matt Canavan của đảng Tự do Quốc gia đã từ chức bộ trưởng Tài Nguyên sau khi phát hiện ông có quốc tịch Ý do mẹ của ông tự ý xin cho ông dịp ông được 25 tuổi, theo lời của ông, một việc làm mà ông không biết. Ông Canavan sinh đẻ tại Úc và chưa bao giờ đặt chân lên đất Ý. Thủ tướng Malcolm Turnbull  đưa trường hợp của ông Canavan lên Tối cao Pháp viện để cơ quan tư pháp cao nhất nước quyết định số phận chính trị của cựu Bộ trưởng Canavan. Nhưng đảng đối lập đòi ông Canavan hãy từ chức thượng nghị sĩ như hai vị dân cử đảng Xanh đã làm.

Chưa hết, tuần trước đây xì ra tin Thủ lãnh đảng Quốc gia kiêm Phó Thủ tướng Barnaby Joyce có song tịch vì cha của ông là người Tân Tây Lan. Theo luật quốc tịch Tân Tây Lan, một người sẽ đương nhiên có quốc tịch Tân Tây Lan nếu họ là con của người Tân Tây Lan. Và cứ theo lẽ đó, Phó Thủ tướng Barnaby là người có hai quốc tịch và vì thế chức vụ dân cử của ông trở thành bất hợp hiến. Đảng Lao động yêu cầu Phó  Thủ tướng Joyce hãy từ chức. Nhưng dễ gì. Chính phủ Turnbull lại đưa trường hợp này lên Tối cao Pháp viện cứu xét.

“Nạn nhận” gần nhất nhưng có lẽ chưa phải là cuối cùng, Thượng nghị sĩ Xenophon, người nắm cán cân quyền lực ở Thượng viện lại bị cho có song tịch do cha của ông là công dân Anh. Lý do cha của ông đến Úc năm 1951 từ đảo Cyprus nguyên là cựu thuộc địa Anh cho đến năm 1960. Thượng nghị sĩ Xenophon là vị dân cử thứ bảy phải tự mình đưa lên Tổi cao Pháp viện nhờ giải quyết tình trạng quốc tịch ngoại quốc của ông.

Nước Úc đang gặp “khủng hoảng” vì  có nhiều vị dân cử không chắc họ  đang có song tịch hay đã không còn quốc tịch thứ hai. Bởi điều 44(i) của hiến pháp ghi một công dân Úc sẽ không ứng cử hợp lệ nếu có một quốc tịch khác. Trong đơn ghi danh ứng cử, có  ô để các ứng viên đánh vào. Họ đã đọc, đánh dấu xác nhận họ không có quốc tịch nào khác. Vậy nếu họ phải từ chức vì việc ứng cử bất hợp lệ là chuyện của họ, chứ không phải của hiến pháp.

Xui cho họ là bây giờ các chính trị gia mới đem chuyện này ra để tấn công nhau. Nhưng luật là luật. Mọi người phải tuân theo, vì không ai có thể ngồi trên pháp luật.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1640 phát hành ngày 30.08.2017)