Hướng đi nào cho tình trạng bấp bênh việc làm tại Úc?

25 Tháng Mười Hai, 2019 | Bình Luận
Hình minh họa. Photo courtesy: Reuters

Mong đợi số lượng giờ làm có thể tăng lên từ tuần này qua tuần khác, có lẽ là một điều thường tình đối với gần hai triệu người dân đang làm việc trên nước Úc. Thật vậy, theo thống kê mới nhất từ Ủy ban Thống kê quốc gia, tỷ lệ thiếu việc làm trên toàn quốc (tiếng Anh gọi là ‘Underutilisation’) hiện đang đứng ở mức 13.8 phần trăm. Con số này bao gồm 5.3 phần trăm lao động không việc làm và 8.5 phần trăm lao động không có đủ số giờ làm việc tương xứng với khả năng của họ.

Đây là một bức tranh đáng buồn, cho thấy vấn đề về an ninh nghề nghiệp đang ngày càng trở nên nan giải trong khi dân số vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Chính vì vậy mà vừa hôm Chủ nhật rồi, đại diện Công đoàn Úc đã lên tiếng thúc giục Đảng Lao động đặt vấn đề này lên làm ưu tiên hàng đầu trong kỳ bầu cử liên bang tiếp theo. Thư ký Công đoàn Sally McManus nói rằng trong số các quốc gia phát triển, Úc thuộc nhóm có tỷ lệ công việc thiếu ổn định nhất – ở 40 phần trăm. Bà McManus khẳng định đây là mức độ không thể chấp nhận, đồng thời kêu gọi các chính trị gia phe đối lập hứa với cử tri sẽ làm giảm ít nhất một nửa số người lao động trong tình trạng bấp bênh này.

Đối với người mới nhập cư đến từ các cộng đồng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh trong đó có cộng đồng người Việt, cơ hội tìm được công việc với số giờ làm và mức lương ổn định lại còn khó khăn hơn rất nhiều. Ngành kinh tế ‘gig’ (tạm hiểu là nền kinh tế tạm thời) được nhiều người tìm đến như là một giải pháp giúp hỗ trợ tài chính trong khi những công việc khác không đáp ứng đủ nhu cầu giờ làm. Tuy nhiên, nó không cung cấp cho người tham gia những quyền lợi cơ bản như bảo hiểm tai nạn, tiền hưu bổng, và họ cũng không được bắt buộc trả mức lương tối thiểu bởi họ làm việc như một lao động tự do là doanh nghiệp cung cấp ứng dụng không được coi là chủ lao động.

Việc không đủ việc làm còn dẫn đến một hệ lụy dễ thấy, đó là mức tăng trưởng tiền lương chậm chạp. Tính từ đầu năm tới tháng 9 năm nay, mức lương trung bình tại Úc chỉ tăng một cách mong manh là 2.2 phần trăm. Bởi rõ ràng đây cũng là vấn đề cung và cầu, khi nhu cầu việc làm cao hơn cung thì khả năng yêu cầu tăng lương của người lao động cũng sẽ khó khăn hơn. Việc làm không ổn định, tăng lương chậm, trong khi giá cả sinh hoạt và nhà ở vẫn tiếp tục tăng mạnh khiến không ít người dân chật vật.

Lời giải duy nhất cho toàn bộ bức tranh đó là một nền kinh tế vững chắc – nhưng bằng cách nào?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Úc hiện đã xuống tới mức thấp nhất kể từ thời kỳ suy thoái toàn cầu hồi năm 2009. Chính phủ Liên đảng tìm cách thúc đẩy bằng cách cắt giảm thuế cho người dân, với tổng giá trị lên tới xấp xỉ 6 tỷ đô la trong mùa thuế vừa đây. Trong khi đó Ngân hàng Dự trữ lần lượt hạ lãi suất xuống mức kỷ lục 0.75 phần trăm, nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên thị trường vẫn dường như không nhúc nhích, tăng trưởng đầu tư vẫn chậm chạp, số lượng gia tăng việc làm mới cũng không đáng kể. Có thể những thay đổi từ chính sách tài khóa cần thêm thời gian để tạo ra một sự biến chuyển đáng kể chăng? Thực ra hy vọng cũng chỉ rất mờ nhạt, bởi vấn đề ở đây nằm ở “sự thiếu hụt trong cấu trúc”, theo cựu lãnh đạo Ngân khố Ken Henry, cái mà không dễ gì giải quyết được chỉ thông qua lãi suất hay khoản tiền của chính phủ.

Nền kinh tế Úc chịu ảnh hưởng lớn khi chúng ta cố gắng bước ra khỏi các ngành công nghiệp truyền thống là khai thác mỏ quặng, định hướng dần thay thế việc sản xuất năng lượng từ đốt hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo tốn kém hơn; trong khi không có những sự đầu tư quy mô lớn vào các mô hình thay thế. Tại sao chính phủ không bắt tay vào thực hiện ngay từ giờ, đơn cử như xây dựng nhà máy tái chế, đường sắt cao tốc đi tới các vùng nông thôn,… nhằm làm bàn đẩy tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế? Phải bắt tay vào đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng mới có thể giúp xoay chuyển tình hình, chứ còn chỉ đợi lãi suất tạo hiệu ứng thì con số hai triệu người bấp bênh việc làm sẽ vẫn còn đó dài lâu.

(Trích từ báo in TVTS số 1759 phát hành ngày 11.12.2019)