Kinh tế Úc chao đảo, hạ lãi suất kỷ lục liệu có khả quan?

23 Tháng Mười, 2019 | Bình Luận
Hình minh họa. Photo courtesy: Reuters

Những tưởng 1 phần trăm đã là mức lãi suất thấp nhất mà Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) có thể đặt ra nhằm cứu vãn nền kinh tế, nó đã khiến người dân, các nhà đầu tư hốt hoảng.

Vậy mà không dừng lại ở đó, nhận thấy kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu vực dậy, tiêu dùng vẫn dậm chân tại chỗ và tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng, RBA lại một lần nữa hạ tiếp mức lãi suất xuống còn 0.75 phần trăm, và có thể sẽ còn xuống nữa tới gần số 0. Đây chắc hẳn là tin buồn cho những người gửi tiết kiệm ngân hàng và chưa hẳn là tin vui cho những nhà đầu tư. Trong khi Thủ tướng Scott Morrison vẫn kiên quyết trấn an cử tri rằng chúng ta ổn định, kinh tế Úc vẫn khỏe mạnh, thực tế e là không được lạc quan như vậy.

Một trong những mục tiêu của RBA khi lần lượt hạ mức lãi suất xuống cực thấp là nhằm thúc đẩy vay tiền để đầu tư, nâng cấp, tiêu dùng, thúc đẩy lạm phát và việc làm. Nhưng khả năng nó sẽ diễn ra như mong đợi dường như rất mong manh, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới mắc kẹt trong những vũng lầy chính trị như hiện nay. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng việc cắt lãi suất là phương án duy nhất của Ngân hàng Dự trữ Úc nhằm giữ mức tỷ giá hối đoái với đồng đô la Mỹ trong phạm vi ở mức giữa 60 phần trăm, đưa đến một cú hích cho kinh tế trong nước.

Chúng ta hoàn toàn không thể đoán chính xác điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, nhưng nhìn chung sẽ có hai bức tranh triển vọng chính. Một là mức lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp và thậm chí có thể cắt xuống nữa nếu như nền kinh tế không đón nhận tín hiệu một cách tích cực, kinh tế toàn cầu có thể rơi vào ngõ cụt như đã từng xảy ra trong thời khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 11 năm. Và hai là chính sách lãi suất tạo ra hiệu quả, nền kinh tế đi lên trở lại và lãi suất cũng tăng trở lại mức bình thường. Như vậy việc vay ngân hàng giá rẻ để đầu tư trong bối cảnh hiện tại cũng đi kèm rủi ro không nhỏ.

Với mức lãi suất xuống cực thấp như hiện tại, cùng với viễn cảnh khó thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực tư nhân, một trong những đề nghị được các nhà kinh tế học đưa ra đó là chính phủ cần mạnh tay vay tiền từ Ngân hàng trung ương với lãi suất thấp, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, để tạo việc làm và kích thích phát triển kinh tế. Bởi khác với những người vay vốn tư nhân chỉ không thể duy trì mức lãi suất vay vốn trong thời gian dài, chính phủ có thể vay tiền thời hạn tới 10 năm chỉ ở mức 1 phần trăm và thời hạn 30 năm với mức lãi suất 2 phần trăm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần phải chi bao nhiêu để có thể đưa đến một đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Chắc chắn sẽ phải là một con số lớn, lên  hàng trăm tỉ đô la.

Hiện tại Thủ tướng Morrison và Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho thấy hoàn toàn không có ý định thực hiện hành động mạnh bạo này, bởi nó sẽ là một cú thổi bay lời hứa thặng dư ngân sách mà Liên đảng đã ra sức theo đuổi trong chiến dịch tranh cử. Cùng với đó, một số chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách cũng e dè việc hy sinh một cán cân thặng dư mà khó khăn lắm mới với tới được để cho một tương lai khó đoán có thể không đáng.

Tại thời điểm này, có lẽ chúng ta không có câu trả lời chính xác về một giải pháp tuyệt đối để cải thiện tình hình. Việc cắt giảm lãi suất thấp kỷ lục của Ngân hàng Dự trữ Úc là một bước đi “trái với thông lệ truyền thống”, nhưng cũng không nằm ngoài cách thức mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế suy thoái được cho thấy ở mức độ vô cùng yếu ớt. Các ngân hàng trung ương tại Châu Âu, tại Mỹ và Nhật Bản đã cắt giảm lãi suất xuống tới gần ‘zero’ trong nhiều năm nay nhưng kinh tế vẫn còn rất ủ dột.

Đã đến lúc các chính trị gia cần chấp nhận thực tế rằng nền kinh tế Úc đang hoàn toàn không ổn, mà chỉ trông đợi vào RBA là không thể đủ. Và ưu tiên vực dậy kinh tế đất nước cần được đặt lên trên mục tiêu chính trị.

(Trích từ báo in TVTS số 1750 phát hành ngày 9.10.2019)