Lây nhiễm coronavirus tại Úc giảm mạnh, đã đến lúc gỡ bỏ hạn chế?

06 Tháng Năm, 2020 | Bình Luận
Ảnh minh họa. Photo courtesy: Reuters

“Chúng ta đang san phẳng đường cong (lây nhiễm COVID-19) một cách ổn định và thực chất” – Bộ trưởng Y tế Greg Hunt nói với báo giới hôm Chủ nhật 19/4. Ðó thực sự là một điều đáng mừng! Từ thời điểm mức độ lây nhiễm cao nhất hồi giữa tháng Ba với 25%, con số đã dần đi xuống và cho tới nay chỉ còn chưa đến 1%.

Chúng tôi, các bạn, tất cả chúng ta đã đóng góp vào kết quả tích cực này. Bằng cách tuân thủ những lời khuyên từ cơ quan y tế, thực hiện các quy định hạn chế khắt khe mà chính phủ đưa ra, thay đổi một cách căn bản những thói quen, lối sinh hoạt hàng ngày. Nhưng trong quá trình đó, để thích nghi với những điều kiện sống mới, chắc chắn rất nhiều trong chúng ta đã và đang trải qua một thời gian khó khăn.

Có người mất việc làm mà không đủ điều kiện nhận trợ cấp; có người phải bỏ buôn bán mà không biết liệu có thể vực dậy sau đại dịch; có người sống một mình cô đơn vì không được phép thăm viếng bạn bè người thân; có người trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình…

Bất chấp các nỗ lực của chính phủ Úc trong việc tìm cách giúp đỡ người dân và doanh nghiệp nhiều nhất có thể, việc hạn chế và phong tỏa đã đánh một đòn giáng mạnh vào cuộc sống xã hội và kinh tế Úc. Theo Bộ trưởng Việc làm Michaelia Cash, tỷ lệ thất nghiệp tại Úc được dự đoán sẽ lên đến đỉnh điểm vào tháng Sáu tại mức khoảng 10% (gần gấp đôi con số tại hiện tại), trong khi nếu không có gói JobKeeper trợ cấp lương cho người lao động, thì con số đó có thể sẽ lên tới 15%.

Và câu hỏi đặt ra đó là: Chúng ta có thể duy trì trong tình trạng này được bao lâu? Nguồn tiền trợ cấp không phải là vô tận, càng kéo dài thời gian này thì nước Úc chúng ta lại càng lầy sâu vào những khoản nợ kếch xù, và càng khó để khởi động lại nền kinh tế trở về thời “tiền Covid”. Ðiều đáng nói nữa là, với khả năng lây lan nhanh chóng khủng khiếp của virus corona này, thì cho dù chúng ta đủ tự tin để mở cửa lại cuộc sống xã hội, việc nó xuất hiện trở lại và tiếp tục hoành hành là điều khó tránh khỏi.

Chúng ta chỉ có thể thực sự không còn lo lắng về Covid-19 khi đã chế tạo được thành công chủng ngừa (vaccine) để tiêu diệt virus một cách triệt để. Nhưng hoàn toàn không có gì có thể đảm bảo rằng niềm hy vọng này sẽ trở thành hiện thực.

Ðứng trước một bức tranh mờ ảo, vô định, nhiều người đã bắt đầu nôn nóng muốn bước ra khỏi những quy định phong tỏa khắc nghiệt hiện tại. Những nhà phân tích kinh tế bắt đầu lo lắng cho kế hoạch xây dựng lại nền kinh tế ‘hậu Covid’. Họ bắt đầu nghi ngờ rằng, phải chăng những tác động của lệnh phong tỏa cuối cùng sẽ còn tồi tệ hơn những tác động thực tế mà Covid-19 gây ra cho nước Úc?

Với các quy định hạn chế, đóng băng nền kinh tế, chúng ta chắc chắn đang giúp cứu sống hàng nghìn mạng người, phần lớn là người cao niên. Nhưng cũng chính vì nó, liệu chúng ta sẽ phải hy sinh bao nhiêu sinh mạng khác, do hậu quả của thất nghiệp kéo dài, của bất ổn định kinh tế, suy nhược tinh thần dẫn đến trầm cảm?

Và đây chính là một bài toán mà các nhà lãnh đạo của chúng ta cần tìm ra lời giải, và cần đưa ra lời giải một cách nhanh chóng để kết thúc giai đoạn bất an này. Một số nước trên thế giới hiện giờ cũng đã bắt đầu tiến hành nới lỏng các quy định phong tỏa, trong đó có Hoa Kỳ, một số nước châu Âu như Ðức, Áo và người anh em của chúng ta – New Zealand. Mặc dù “chúng ta sẽ không chạy theo cóp-pi các nước khác” như TT Scott Morrison nói, cũng đã đến lúc nước Úc xem xét lại hướng đi của mình, xem xét lại thời hạn cho các lệnh phong tỏa.

Việc đó không đồng nghĩa với việc bắt đầu chủ quan và bất chấp các quy định hạn chế để tụ tập và đi lại tự do. Chúng ta vẫn luôn phải thận trọng, tiếp tục duy trì các biện pháp an toàn, tuân thủ các lời khuyên y tế. Trước khi nước Úc có thể mở cửa lại nền kinh tế, chúng ta cần một hệ thống y tế được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trong mọi hoàn cảnh – điều mà chính phủ vẫn đang cố gắng hoàn thiện. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thì tính mạng con người cũng vẫn cần được ưu tiên trước nhất.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1778 phát hành ngày 22.04.2020)