Một tháng nhiều biến cố và vai trò của Úc

11 Tháng Tư, 2018 | Bình Luận
Các nhà lãnh đạo từ ASEAN và Thủ tướng Úc Malcom Turnbull (ở giữa) tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Úc ở Sydney, ngày 17 Tháng 3, 2018. (Photo courtesy: Reuters)

Tháng 3 đã và đang chứng kiến những biến cố, cái mốc quan trọng về chính trị và kinh tế của thế giới. Trước hết là việc Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un qua trung gian của Cố vấn An ninh Quốc gia Nam Hàn Chung Eui Yong muốn gặp mặt Tổng thống Donald Trump và tổng thống Mỹ đã ngay lập tức nhận lời sẽ gặp vào khoảng tháng 5 nhưng chưa cho biết địa điểm.

Trong khi các sứ giả Bắc Hàn sang các nước chủ trương trung lập như Thụy Điển hay có thể Phần Lan để bàn luận địa điểm gặp mặt của lãnh tụ Mỹ và Bắc Hàn, Việt Nam đã hồ hởi đề nghị đón ông Trump và Kim. Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Úc hôm 18/3 Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói với đài SBS rằng “nếu họ chọn Hà Nội hay bất cứ nơi nào ở Việt Nam thì chúng tôi đều hoan nghênh”.

Nhưng từ đây cho đến ngày hai lãnh tụ từng chế diễu nhục mạ nhau hay dọa sẽ làm cỏ nước đối nghịch bằng bom nguyên tử hay lửa thịnh nộ chịu ngồi mặt đối mặt, có thể có những diễn biến phá vỡ cuộc họp mặt lịch sử này. Bởi cả hai ông này có tính khí bất thường và quyết đoán, không nghe lời các cố vấn.

Cũng trong tháng này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay đổi được hiến pháp Trung Cộng để cho ông  có thể cầm quyền suốt đời và ông vừa được quốc hội bầu làm chủ tịch nhiệm kỳ thứ hai với phiếu tín nhiệm trăm phần trăm! Thế là Tập Hoàng Đế với quyền hạn vô song ôm mộng Hán tộc nếu không lãnh đạo thế giới thì cũng không để cho nước nào đe dọa lãnh hải (tức chủ quyền toàn bộ Biển Đông).

Trong khi đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thắng vẻ vang một cuộc bầu cử mà ai ai cũng tin rằng ông sẽ thắng để làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ, là người cầm quyền lâu nhất chỉ sau nhà độc tài khát máu Stalin của Liên bang Xô viết. Cũng với quyền uy hầu như tuyệt đối, ông sẽ trở thành một Sa Hoàng Putin của thời tiền cộng sản.

Tại Hoa Kỳ nơi được coi là cái nôi của tự do dân chủ và là cường quốc không có đối thủ sau khi khối cộng sản tan rã, vị tổng thống gốc thương gia càng ngày càng làm cho nước Mỹ mất ảnh hưởng trên thế giới với chính sách “nước Mỹ trên hết”. Chính nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã cổ vũ một cuộc hợp tác mậu dịch giữa 12 nước ở Thái Bình Dương có tên gọi TTP (Trans-Pacific Partnership) nhưng ông Trump khi lên cầm quyền đã rút lui. 11 nước còn lại trong đó Úc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hiệp ước này đổi tên mới thành CPTTP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partmership) hay gọi đơn giản hơn, TTP-11.

Hiệp ước mậu dịch đã được ký tại Chi-lê ở Nam Mỹ gồm 11 nước theo thứ tự chữ cái bằng tiếng Anh: Australia, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Vietnam. Với hiệp ước này thuế suất nhập cảng sẽ được giảm đến 98% giữa 11 quốc gia có tổng sản lượng lên tới $13,700 tỉ đô la ($13.7 trillion). Như vậy thịt bò Úc sẽ thoải mái chiếm lĩnh thị trường béo bở ở Nhật Bản. Mậu dịch  phát triển tự do sẽ mang lại thịnh vượng.

Một biến cố khác đáng lưu ý là hội nghị thượng đỉnh của khối ASEAN tại Sydney. Đây là lần đầu tiên các lãnh tụ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á họp tại Úc, một nước không phải thành viên của hiệp hội. Chi $56 triệu và mất vài ngày tổ chức và gây trở ngại cho công chúng ở trung tâm thành phố nhưng của đáng đồng tiền, hội nghị được xem là thành công, đến độ Tổng thống Indonesia và thủ tướng  Singapore ngỏ lời Úc nên gia nhập để làm thành viên.

Dĩ nhiên, vì nhiều lý do trong đó có vấn đề khác biệt về chính trị, Úc sẽ không gia nhập, bởi một khi đã là thành viên thì cần hay phải tuân thủ đường lối của hiệp hội, gồm nhiều nước cộng sản hay độc tài không muốn các thành viên khác can thiệp, mà Úc là một nước dân chủ, thường lên tiếng chỉ trích khi nhân quyền bị vi phạm. Ngoài các thỏa thuận về mậu dịch, hợp tác an ninh, chống khủng bố thông cáo chung chỉ phơn phớt đề cập chuyện tự do hàng hải ở Biển Đông mà không dám nêu tên kẻ vi phạm (Trung Cộng). Tuy nhiên Úc đã trở thành một nước lớn có ảnh hưởng trong vùng qua hội nghị ASEAN.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1670 phát hành ngày 28.03.2018)