Mỹ-Trung căng thẳng Úc cũng lao đao

24 Tháng Mười, 2018 | Bình Luận
Cờ Mỹ và Trung Quốc. Photo courtesy: Reuters

Quan hệ Trung Quốc – Mỹ đang tiến tới một ngưỡng căng thẳng mới, khi mà hồi tuần trước một vụ đụng đầu nghiêm trọng giữa tàu chiến hai nước đã xảy ra trên khu vực tranh chấp Biển Đông. Hôm 30/9, trong khi tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ thực hiện tuần tra tự do trên vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý từ các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, Trung Quốc đã điều tàu chiến tới để ngăn chặn. Những hình ảnh hải quân Mỹ cung cấp ít ngày sau đó cho thấy tàu chiến Trung Quốc đã tới gần đến nỗi một vụ va chạm mạnh có thể đã xảy ra nếu như USS Decatur  không bẻ lái quay đầu ngay lập tức. Giới chức nước này sau đó còn lên tiếng chỉ trích Mỹ vì “đã đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và an ninh” của Trung Quốc, đồng thời hủy một cuộc gặp mặt đã được lên kế hoạch trước với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.

Có thể thấy với hành động này, gã khổng lồ cộng sản Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp ngoan cố rằng Biển Đông nằm dưới quyền cai quản của nước này, và bất cứ ai kể cả Mỹ nếu không công nhận hay chống đối đều sẽ phải đối mặt thách thức. Cho tới nay Trung Quốc hầu như đã chính thức giành quyền kiểm soát Biển Đông, bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp với các căn cứ quân sự kiên cố trong khu vực đang tranh chấp. Trường Sa, quần đảo giàu tài nguyên mà Việt Nam cam kết chủ quyền, đã vuột vào bàn tay nham hiểm của Trung Quốc, một cách đau đớn.

Còn Úc, khi vừa là một đồng minh quân sự ngày càng thân thiết của Mỹ, vừa có Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, có thể đang bị đẩy vào một tình thế nguy hiểm mà chưa biết sẽ đi về đâu. Hiện tại trước vụ xung đột lần này giữa hai thế lực Trung – Mỹ, Thủ tướng Scott Morrison mới chỉ đưa ra tiếng nói hết sức dè dặt rằng “công việc của Úc là cùng hợp tác với các bên nhằm làm dịu đi các căng thẳng đang gia tăng và đó là điều mà nước này đang làm”. Đồng thời, ông cũng cam kết sẽ nỗ lực làm việc để đem về kết quả mang tính chiến lược có lợi nhất cho nước Úc.

Mối quan hệ đồng minh lâu đời với Mỹ thường được coi là nền tảng cho an ninh của Úc. Và bởi giữ vị trí đồng minh khăng khít này, Úc đã không dưới một lần được Mỹ kêu gọi cùng tham gia “các hoạt động tự do hàng hải (gọi tắt là FONOPs) trong phạm vi 12 hải lý từ các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, nhằm mục đích thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá quắt của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Úc đã phải đau đầu vì điều này, bởi vừa không muốn việc đi theo Mỹ gây ra căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc – đối tác hàng đầu về thương mại.

Có nên chăng Úc cứ nhắm mắt tham gia chương trình tuần tra FONOPs của Mỹ? Bởi có có thách thức thế nào đi  nữa thì cũng không thay đổi được thực tế rằng Trung Quốc đã nắm chiếm các khu vực chiến lược trên Biển Đông. Thay vào đó, Úc cần tăng cường tìm hướng đi riêng để đảm bảo vấn đề an ninh biên giới cho chính mình và giảm thiểu tối đa các hậu quả dẫn đến do căng thẳng leo thang giữa hai siêu cường quốc Mỹ – Trung.

Cho đến nay, Úc đã thiết lập các mối quan hệ nhóm nhỏ cùng với các nước khác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương trong đó có Nhật Bản. Những mối quan hệ này được cho là tạo ra tiền đề cho sự tự giúp nhau, có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực ưu tiên như đối thoại an ninh, trao đổi thông tin tình báo, chia sẻ dữ liệu giám sát hàng hải. Ngoài ra, các nước này có thể chia sẻ công nghệ, xây dựng chương trình nghị sự và các sáng kiến ngoại giao chung để gây ảnh hưởng đến các tính toán chiến lược của Trung Quốc và Mỹ.

Không chỉ có vấn đề về quân sự đang nóng lên, chiến tranh thương mại giữa hai thế lực cũng không có dấu hiệu giảm nhiệt, với dự báo rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ áp thuế quan lên toàn bộ các mặt hàng từ Trung Quốc trong năm 2019. Và có lẽ sẽ đến một lúc mà Úc phải đứng trước lựa chọn một trong hai: Mỹ hay Trung Quốc? An ninh quốc gia hay lợi ích thương mại? Hỏi tức là đã trả lời!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1698 phát hành ngày 10.10.2018)