Nan y tử quyền sẽ thay đổi xã hội sâu xa

08 Tháng Mười Một, 2017 | Bình Luận
(Representative photo: Reuters)

Vào sáng Thứ Sáu tuần qua, hạ viện Tiểu bang Victoria đã làm nên “lịch sử” khi bỏ phiếu thông qua dự luật giúp tự nguyện chết Voluntary Assisted Dying Bill với 47 phiếu thuận, 37 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Đây là lần đầu tiên một viện dưới của quốc hội tiểu bang thông qua  dự luật nan y tử quyền. Dự luật chết với nhân phẩm Death with Dignity Bill cuối năm ngoái đã bị bác tại quốc hội Nam Úc. Đó là lần đầu tiên một dự luật về nan y tử quyền bị đánh bại ở cấp tiểu bang.

Các vị dân biểu đã tranh luận liên tục trong một thời gian dài 26 tiếng đồng hồ, không ngủ sau khi kỳ kéo bớt một thêm hai với những tu chính trước khi quyết định bỏ phiếu lúc 11 giờ sáng Thứ Sáu. Cũng đáng ghi nhận   là dự luật nan y tử quyền do Chính phủ Daniel Andrews đưa ra tuy được ông thủ hiến và Bộ trưởng Y tế  Jill Hennessy hết mình ủng hộ, Phó Thủ hiến James Merlino –một tín hữu Công giáo sùng đạo– đã phản đối kịch liệt khiến có sự rạn nứt trong đảng Lao động.

Trong cuộc bỏ phiếu này, các dân biểu được bỏ phiếu theo lương tâm chứ không theo chủ trương của đảng nên trong số ủng hộ có 38 đảng viên Lao động, 5 đảng viên Tự do, 2 Xanh và 2 độc lập. Trong khi đó phe chống có 31 đảng viên Tự do và 6 Lao động. 2 phiếu trắng của Tự do. Dự luật sẽ được đưa lên viện trên và sẽ được các vị dân cử tranh luận và bỏ phiếu vào tuần tới. Trong số 40 dân biểu viện trên, cho đến lúc này có 18 người ủng hộ,  18 người chống và 4 người chưa quyết định. Chỉ cần 21 người ủng hộ là dự luật nan y tử quyền sẽ được thông qua và sẽ có hiệu lực  vào năm tới. Vì có kẽ hở trong dự luật nên người từ các tiểu bang khác cũng có thể kéo đến đây để chết theo ý muốn.

Theo dự luật nan y tử quyền này,  một người muốn “nộp đơn” chết phải là một cư dân Victoria tuổi trưởng thành, có bệnh nan y không thể sống trên 12 tháng, bị đau đớn không thể chịu đựng được và đầu óc còn sáng suốt. Bệnh nhân phải có 3 lần làm đơn yêu cầu rõ ràng, phải được chứng nhận bởi 2 bác sĩ trong đó phải có một bác sĩ chuyên khoa. Phải tự mình sử dụng thuốc (độc) và bác sĩ chỉ được phép giúp sử dụng khi bệnh nhân không có khả năng làm. Việc nộp đơn và nhận thuốc (độc) sẽ mất 10 ngày.

Luật đặt ra những biện pháp trừng phạt những ai vi phạm việc cho phép sử dụng thuốc để tự làm chết, xúi dục kẻ khác sử dụng hệ thống này. Bác sĩ đề nghị bệnh nhân sử dụng hệ thống này cũng bị  biện pháp kỷ luật nghề nghiệp. Các dân biểu chống đối đã tìm cách đưa ra cả trăm tu chính để bảo đảm sự an toàn cho bệnh nhân và tránh sự lạm dụng nhưng đã  thất bại với cuộc chạy đua thời gian tranh cãi. Bây giờ, vấn đề còn lại của những người chống đối là thuyết phục các dân biểu viện trên.

Có ít nhất hai cựu thủ tướng kêu gọi hãy ngăn chận dự luật này. Cựu Thủ tướng Lao động Paul Keating nói việc thông qua dự luật nan y tử quyền bởi viện dưới của Victoria là một giây phút thật sự  đau buồn cho cả nước. Cựu Thủ tướng Tự do Tony Abbott nói đây được xem là một bước ngoặt đau buồn vì sự xuống dốc trong xã hội tử tế của chúng ta. Dân biểu Kevin Andrews, một chính trị gia liên bang cao cấp thúc dục các đồng nghiệp Tự do tiểu bang hãy tiếp tục chiến đấu để đánh bại dự luật quyền được chết này. Ông là người đã giúp  Chính phủ Howard năm 1995 hủy bỏ luật nan y tử quyền     của Lãnh thổ Phía bắc nhưng ông cảnh cáo rằng vì Victoria là một tiểu bang nên chính phủ liên bang không có quyền can thiệp một khi dự luật  được viện trên thông qua.

Các tòa Tổng giám mục Anh giáo và Công giáo đều tỏ sự bất đồng và quan ngại với dự luật này. Chủ tịch Hiệp hội Y sĩ Úc, Bác sĩ Michael Gannon nói lập trường của hội không thay đổi, rằng bác sĩ không nên can dự vào việc chấm dứt cuộc sống của con người và hội sẽ tiếp tục vận trong cuộc bỏ phiếu sắp tới, và sau đó nữa.

Chớ để việc tìm cái chết của một người là do sự tuyệt vọng hay bởi cảm thấy là gánh nặng cho người khác. Cho phép tự tìm cái chết không hẳn chứng tỏ sự yêu thương, xót thương. Vì sự sống rất quý, hãy tìm cách hỗ trợ, săn sóc và giúp họ bớt đau đớn thay vì giúp chết.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1648 phát hành ngày 25.10.2017)