Những người hùng trong vụ tấn công tại Anh và niềm tin về tình người

18 Tháng Mười Hai, 2019 | Bình Luận
Từ phải sang: Thủ tướng Anh Boris Johnson, bộ trưởng Nội Vụ Priti Patel và cảnh sát trưởng Cressinda Dick đến hiện trường vụ khủng bố ngày 30/11/2019. Photo courtesy: Reuters

Vụ tấn công khủng bố hồi cuối tuần qua tại thủ đô Luân Đôn của nước Anh lại một lần nữa đặt quốc gia này vào tình trạng cảnh giác cao độ đối với nguy cơ khủng bố. Sự việc cũng khiến dấy lên tranh cãi về luật trừng phạt đối với tội phạm liên quan đến khủng bố, những nghi ngờ về một hệ thống pháp luật không đủ cứng rắn và những chương trình loại bỏ cực đoan không mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu như những kẻ tấn công với danh nghĩa khủng bố hòng khiến xã hội sợ hãi, đề cao cái uy quyền đến từ bạo lực vô nhân tính của tổ chức Hồi giáo cực đoan, thì lần này bọn chúng đã thất bại. Đối với những người dân chứng kiến vụ tấn công, và hàng triệu người trên khắp thế giới xem lại những hình ảnh từ internet, cái để lại cho họ ấn tượng đậm nét nhất, không phải là sự sợ hãi, mà là hành động dũng cảm chống lại một cách đầy nghĩa hiệp của những người dân thường. Nhìn thấy mối nguy hiểm cho những người xung quanh, họ vùng tới trấn áp kẻ tấn công trong khi hắn ta đang mang trên mình hai con dao dài và một cái áo vét đầy chất nổ (cảnh sát sau đó cho biết đó là chất nổ giả).

Sự việc đã khiến hai người dân vô tội thiệt mạng, ba người khác bị thương, và nếu như không có sự can thiệp nhanh chóng của những người dân dũng cảm thì chắc hẳn con số thương vong đã không dừng lại tại đó. Hành động của họ cho thấy tình người sẽ luôn vượt lên và chiến thắng những thế lực tàn bạo vô nhân tính.

Ngoài ra, có một chi tiết đặc biệt trong vụ việc này, đó là một trong những người được ca ngợi là “người hùng”, tham gia khống chế kẻ tấn công khủng bố, vốn là một tội phạm giết người. James Ford vào tù năm 2004 sau khi bị kết tội giết hại một cô gái 21 tuổi có vấn đề về trí lực. Gia đình nữ nạn nhân kiên quyết rằng anh ta không thể được tung hô là người hùng, và sẽ không bao giờ là người hùng, bởi tội ác mà Ford đã từng gây ra trong quá khứ.

Thực sự đối với người nhà nạn nhân, việc tha thứ và xóa bỏ lòng căm thù đối với kẻ gây ra nỗi đau đớn mất mát cho gia đình mình sẽ là không thể. Thế nhưng, xét trên một bình diện khác, James Ford đã gây ra tội lỗi trong quá khứ, đã trả giá bằng những năm tháng trong trại giam, và giờ xứng đáng được trao cơ hội làm lại cuộc đời. Hành động bất chấp nguy hiểm để cứu người của Ford cho thấy rằng một kẻ từng phạm tội hoàn toàn có thể hoàn lương, và đó chính là điều mà hệ thống pháp luật và cải tạo tội phạm cần tập trung hướng đến.

Hệ thống nhà tù nên được nhìn nhận không chỉ là nơi để trừng phạt, mà là nơi giúp tội nhân trở về với cuộc sống lương thiện và hòa nhập với xã hội. Đức và Na Uy là những quốc gia đi đầu trên thế giới về áp dụng biện pháp này trong hệ thống nhà tù, nơi cho phép sự giao tiếp bình thường giữa tù nhân và nhân viên trại giam, tạo điều kiện cho phạm nhân tham gia học tập kỹ năng, lao động, thực hiện các nhiệm vụ của một công dân bình thường, chỉ khác là ở trong một phạm vi an toàn đối với xã hội. Tỷ lệ tái phạm tội tại những quốc gia này thuộc hàng thấp nhất thế giới, với Na Uy chỉ ở mức 20%. Tỷ lệ này tại Mỹ là gần 70% và tại Úc là hơn 54% được thống kê trong vòng hai năm sau khi ra tù.

Và song song với điều đó, việc bảo vệ cộng đồng dân cư khỏi những mối hiểm họa có thể xẩy ra cũng cần được đặt lên hàng đầu va giám sát cực kỳ chặt chẽ. Trong trường hợp vụ tấn công tại Anh, kẻ tấn công trước đó đã bị bắt giam với tội danh âm mưu đánh bom khủng bố và thiết lập chương trình đào tạo thánh chiến Hồi giáo tại Pakistan hồi năm 2010, hắn ta đang ở trong giai đoạn được tạm tha khi thực hiện vụ tấn công máu lạnh hồi cuối tuần. Mặc dù được gắn thiết bị theo dõi di chuyển, lực lượng an ninh Anh đã quá sơ suất khi để tên này tới khu vực gần dân chúng. Đây là bài học cho các cơ quan an ninh tại Anh và cũng là một lời cảnh báo cho nước Úc. Một hệ thống luật hình sự cần một mặt tìm cách giúp phạm nhân hoàn lương, những mặt khác cần bảo đảm sự an toàn của người dân một cách triệt để.

(Trích từ báo in TVTS số 1758 phát hành ngày 4.12.2019)