Nước Mỹ: sống với văn hóa súng, chết vì súng

09 Tháng Tám, 2017 | Bình Luận
Bà Justine Damond bị bắn chết khi gọi 911 để thông báo có tiếng động lạ sau nhà. Photo courtesy: Stephen Govel/Stephen Govel Photography/Handout via Reuters)

Một nữ công dân Úc sinh sống tại Mỹ, đã bị một cảnh sát Mỹ bắn chết chỉ một tháng trước khi cô làm đám cưới với người chồng là công dân Mỹ. Cái chết vô lý và chưa có lời giải thích không những đã làm gia đình của nạn nhân ở Sydney đòi hỏi công lý phải được sáng tỏ mà chính Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng yêu cầu nhà  chức trách phải có câu trả lời ngay.  Tuy nhiên, viên cảnh sát bắn cô đã  không chịu nói gì và nhà chức trách Thành phố Minneapolis cũng nói rằng, theo luật, họ không có quyền ép viên cảnh sát phải khai trình.

Cô Justine Ruszczyk, 40 tuổi, vào một buổi tối cuối tuần trước, khi nghe tiếng kêu la bất thường ngoài đường, đã gọi số điện thoại khẩn cấp cho cảnh sát. Khi cảnh sát đến nơi, Ruszczyk đang mặc áo ngủ ra khỏi nhà và bước tới xe cảnh sát. Nhưng Mohamed Noor, viên cảnh sát ngồi cạnh cảnh sát tài xế Matthew Harrity, bắn một phát đạn qua cửa kiếng của tài xế đã kéo xuống. Viên đạn trúng vào bụng và nạn nhân chết tại chỗ.

Trong khi Noor từ chối trả lời các điều tra viên, Harrity chỉ kể rằng, lúc đó xe hơi cảnh sát tắt đèn và ông nghe một tiếng bùm thật lớn, rồi thấy một tia lửa sáng lên đồng thời với tiếng nổ, và người phụ nữ trúng đạn. Cũng như Noor, cảnh sát tài xế đã không tiết lộ thêm chi tiết về việc Noor bắn cô Ruszczyk. Nhưng có điều lạ và bất thường là các nhân viên cảnh sát đã không làm đúng quy định. Họ đã tắt máy quay phim của xe hơi. Và cả hai viên cảnh sát đều không bật máy quay phim trong người họ khi thi hành phận sự. Do đó, đã không có bằng chứng gì về việc nạn nhân bị bắn, tại sao bị bắn và bị bắn trong hoàn cảnh nào.

Cảnh sát trưởng Minneapolis nói nạn nhân không đáng để phải chết như vậy. Thủ tướng Úc nói giết một phụ nữ ngoài đường đang bận áo quần ngủ và nhờ cảnh sát giúp đỡ,  chỉ nhìn qua, đã thấy là không thể giải thích, bào chữa được. Nhưng sớm hay muộn, viên cảnh sát bắn chết người vô cớ phải trả lời và phải bị đưa ra tòa xét xử về hành vi làm chết người có thể bị xem như là một vụ sát nhân.

Mohammed Noor là nhân viên cảnh sát đã bắn bà Justine Damond đang bị đình chỉ công tác. Photo courtesy: City of Minneapolis

Mohamed Noor là một di dân gốc từ Somali, gia nhập lực lượng cảnh sát mới hai năm, nhưng trong thời gian này bị khiếu nại và bị cáo buộc về việc bắt giữ người một cách trái phép. Justine Ruszczyk qua Mỹ sống được ba năm, làm nghề dạy thiền và yoga, được nhiều người quen biết và hàng xóm mô ta là một con người hiền hòa, thân thiện và dễ thương. Vậy mà khi cô tới gần xe cảnh sát để nói chuyện với họ sau khi gọi điện thoại  cầu cứu, thì bị bắn ngay trước cửa xe.

Cái chết của người phụ nữ Úc chưa được làm sáng tỏ nhưng có một điều rõ như ban ngày, những vụ nổ súng làm chết người  tại Mỹ là do văn hóa súng của người Mỹ. Còn nhớ ngày nào khi Tổng thống Bill Clinton muốn theo bước chân của Thủ tướng John Howard để hạn chế súng ống thì tài tử Charlton Heston — nổi danh trong vai ông Môi-sen– thay vì cầm gậy đã  cầm khẩu súng trường đứng trên bục đại hội NRA, hiệp hội người chơi súng toàn quốc, giơ cao và nói  rằng chỉ có thể tước súng của ông “khi bàn tay tôi đã lạnh vì đã chết”.

Cuối cùng thì Heston đã phải rời  xa khẩu súng khi tay ông đã lạnh vì qua đời vào năm 2008 nhưng từ thời Clinton đến Donald Trump, luật pháp nước Mỹ đã không có thay đổi gì trong việc hạn chế súng ống. Ngược lại, việc sở hữu súng ngày càng gia tăng. Hiện có khoảng 300 triệu khẩu súng đang lưu hành trong tay các tư nhân. Mỗi năm, tăng thêm 10 triệu. Đó là chưa kể trong năm ngoái có khoảng 300,000 khẩu súng bị đánh cắp và lưu giữ bất hợp pháp tại Mỹ.

Người dân bắn giết nhau hay giết người tập thể vì lý do tâm thần, chính trị, tôn giáo hay chủng tộc  là chuyện thường ngày.  Nhưng người thi hành luật pháp cũng bắn người cách “vô tư”, nhất là trong những vụ cảnh sát bắn chết người da đen. Từ đầu năm đến nay, đã có 543 người bị cảnh sát bắn chết. Đến hết năm, con số đó có thể lên tới cả ngàn người. Cách đây vài tuần, một học sinh gốc Việt bị bắn chết trong tay cầm cây viết. Và nay phụ nữ Úc bị bắn chết giữa đêm khi gọi cảnh sát đến giúp đỡ. Người Mỹ đang  trả cái giá vì nhất quyết bảo vệ quyền sở hữu súng.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1635 phát hành ngày 26.07.2017)