Thất vọng trước phản ứng của lãnh đạo và truyền thông VN

20 Tháng Mười Một, 2019 | Bình Luận
Thủ tướng Anh Boris Johnson (thứ hai từ trái sang) cùng các quan chức chính quyền đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tại hạt Essex hôm 28/10. Photo: Reuters

Những hy vọng cuối cùng vậy là đã tắt ngấm– Cảnh sát Anh đã xác nhận toàn bộ 39 người thiệt mạng trong thùng xe tải đông lạnh là người Việt Nam. Trong bài xã luận tuần trước TVTS đã chia sẻ với độc giả nỗi buồn thương vô hạn, nỗi xót xa cho những mảnh đời bất chấp tất cả tìm cách tha hương, mong kiếm tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Có lẽ cũng như bao người khác, chúng ta đã hy vọng rằng biết đâu có thể họ vẫn còn sống, có thể không phải tất cả những người trên xe là anh em đồng bào của ta, cho đến khi nhận được những lời xác minh cuối cùng.

Càng đau xót trước sự ra đi của những người con đất Việt, phản ứng của những vị lãnh đạo trong nước cũng như của các cơ quan truyền thông chính thống Việt Nam lại càng khiến ta phẫn uất. Trong suốt hơn một tuần, bao nhiêu gia đình thân nhân nạn nhân khổ sở ngóng tin, lo lắng, rồi đau đớn khi những tia hy vọng cuối vỡ tan, vậy mà hầu như không có một lời chia sẻ nỗi buồn chân thành nào từ những vị đứng đầu cấp cao của chính phủ. Ban đầu, khi tin tức bắt đầu được đưa ra với các nghi ngờ có nạn nhân người Việt, giới chức trách và truyền thông luôn cố gắng lảng tránh, tìm cách dập tan những lời đồn đoán trong khi các bằng chứng ngày càng trở nên rõ ràng.

Đến khi thông tin chính thức được đưa ra, cái ta nhận được cũng chỉ là những im lặng bao trùm, những lời chia buồn mờ nhạt và những ngón tay chỉ trỏ đổ lỗi. Trên các trang tin tức là cơ quan ngôn luận chính của Đảng Cộng sản như Người Lao động, Nhân Dân, VOV, ta chỉ loáng thoáng nghe thấy những cái tin ngắn rỗng tuếch cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “gửi lời chia buồn sâu sắc” từ Thái Lan, rồi chỉ đạo công an làm rõ sự việc và hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Những nội dung vô cùng máy móc dường như chỉ đơn giản được lắp vào một khuôn mẫu có sẵn, những câu chữ trống rỗng chẳng gợi lên một gợn cảm xúc.

Ba mươi chín con người bằng xương bằng thịt đã bỏ mạng trong đau đớn, 39 gia đình chìm trong nỗi đau tột cùng, nhưng phải chăng đối với một số người ngồi chễm chệ trên bậc cao quyền lực kia, họ vẫn tắc lự “Sống chết mặc bay”? Câu chuyện đầy nước mắt của nhà văn Phạm Duy Tốn từ đầu thế kỷ 20 dường như đang hiển hiện ngay trước mắt.

Tuyên bố chính thức dài nhất liên quan đến vụ việc cho tới thời điểm này là từ Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong đó nội dung chính nhấn mạnh đến việc chống tội phạm mua bán người, ám chỉ rằng đây là nguyên nhân bao trùm dẫn đến vụ việc đau thương. Các báo đài có lẽ cũng được nhận chỉ đạo, tập trung xoay quanh bàn luận về giải quyết nạn buôn người, ngoài ra còn có bài báo công khai chỉ trích chính sách nhập cư khắt khe của các nước giàu là yếu tố chính khiến bi kịch xảy ra.

Mảy may không một ai dám thẳng thắn thừa nhận một cơ chế đã thất bại trong vai trò chăm lo cho người dân, đã không thể mang đến cho họ cái gọi là niềm tin và hy vọng. Không một ai lên tiếng thừa nhận một phần trách nhiệm. Hết chỉ vào những kẻ buôn người, lại chỉ đến chính sách nhập cư của Anh, rồi đến thái độ sai trái của những người tự mình chọn lựa ra đi. Tất cả chỉ là chỉ trích và đổ lỗi. Trong khi đó, đáng ra từ tấm thảm kịch này, giờ là lúc mà tất cả mọi người, từ lãnh đạo đến người dân cần phải đối diện với sự thật, tìm ra những nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, để tìm ra những phương cách tích cực nhất nhằm ngăn chặn những trường hợp tương tự trong tương lai.

Sự việc lần này cũng có thể được xem là hồi chuông thức tỉnh cho những người dân lao động, họ cần nhận thức rằng, “đi lậu, đi chui” luôn là con đường phạm pháp và nguy hiểm đến mức có thể phải đánh đổi cả tính mạng. Thay vào đó, nếu muốn ra nước ngoài, họ có thể tìm cách học kỹ năng cho các ngành nghề cần nhân lực, để được sống và làm việc một cách hợp pháp và đàng hoàng. Các cơ quan thẩm quyền có thể giúp cung cấp thêm thông tin, mở các trung tâm tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động để giúp đỡ người dân có nhu cầu, định hướng cho họ con đường đúng đắn.

Chỉ mong sao tấm thảm kịch lần này sẽ không bao giờ lặp lại.

(Trích từ báo in TVTS số 1754 phát hành ngày 06.11.2019)