Thủ đô Do Thái ở đâu? Tel Aviv hay Jurusalem

06 Tháng Sáu, 2018 | Bình Luận
Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm Bức tường phía Tây ở Đông Jerusalem ngày 22.5. Photo Courtesy: Reuters

Năm 1948 một nước Do Thái hiện đại được thành lập trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã lập quốc và cư ngụ hàng ngàn năm trước với nền văn minh Do Thái (Judaism) mở đầu cho văn minh Thiên Chúa giáo (Christianity) được truyền bá rộng rãi ở phương tây và rồi thấm nhập khắp địa cầu. Nước Do Thái mới đã được Liên hiệp quốc thừa nhận và vào ngày Thứ Hai đầu tuần qua (14 tháng 5) quốc gia này mừng 70 năm ngày tuyên bố độc lập.

Cũng vào ngày Thứ Hai đó, Hoa Kỳ chính thức dời sứ quán từ thành phố Tel Aviv về Thủ đô Jerusalem và mở tiệc khai trương tòa đại sứ mới với sự hiện diện của Bộ trưởng Ngân khố Steve Mnuchin, 12 dân biểu, con gái Ivanka và con rể Kushner của Tổng thống Donald Trump. Một trong những lời hứa của ông Trump khi tranh cử là sẽ dời tòa đại sứ về Jerusalem, bởi đặt tòa đại sứ ở thủ đô của một quốc gia là đúng, hợp lý nhất. Và ông Trump đã làm mặc những lời đe dọa của kẻ thù  cũng như  chống đối, khuyến cáo của đồng minh và các quốc gia thân hữu.

Cũng trong ngày có hai biến cố quan trọng này, một cuộc chạm trán giữa người dân Palestine và quân đội Do Thái đã làm khoảng 62 người Palestine chết trong đó có một trẻ em và khoảng 2,700 người bị thương khi người Palestine ở dải Gaza biểu tình tràn qua biên giới của hai nước. Nhiều nước lên án hay chỉ trích Do Thái đã sử dụng vũ lực một cách quá đáng (đạn thật) để đối phó với những người không có vũ khí nhưng Do Thái nói họ không còn cách nào khác bởi nhóm cực đoan Hamas đang cai trị dải Gaza xúi dục dân Palestine bạo động. Hamas nhìn nhận 50 trong số người chết là thành viên của họ.

Khi sự việc xảy ra, một số người cho rằng Tổng thống Trump là người phải chịu trách nhiệm về vụ bạo động vì việc dời tòa đại sứ về Jerusalem là một hành động thách thức người Palestine bởi người Palestine cho rằng Jeruslem là đất của họ và sẽ là thủ đô của một nước Palestine sau này khi quốc gia Palestine được thành hình và được quốc tế thừa nhận. Nhưng ông Trump cho rằng bạo động xảy ra vì Do Thái mừng lễ 70 năm độc lập. Điều ông Trump nói không sai, bởi  một người Palestine tên Abdel-al Mohsleh đã mang theo đứa con trai 11 tuổi ra biên giới biểu tình, sợ rằng mai mốt lớp tuổi già đi qua, đám trẻ không biết rằng chúng hiện đang tị nạn chính trên quê hương của  chúng. Con ông Mohsleh là một trong số hàng ngàn người bị thương.

Như thế, việc dời tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem không phải là lý do gây ra vụ bạo động chết người này. Mà tại sao Hoa Kỳ hay những nước có quan hệ ngoại giao với Do Thái không dời tòa đại sứ đến một nơi thích hợp về mặt ngoại giao? Jerulem là nơi có Tối cao Pháp viện, trụ sở quốc hội (Knesset) và chính phủ làm việc. Còn Tel Aviv chỉ là một thành phố tài chánh, nơi có bãi biển đẹp để tắm.

Năm 1948 khi mới lập quốc, Do Thái chỉ làm chủ một nửa cố đô: West Jerussalem. Còn East Jerusalem thuộc lãnh thổ người Palestine và do nước Jordan quản trị. Qua trận chiến 1967, Do Thái chiếm luôn Đông Jerusalem, phá bỏ bức tường phân chia cố đô và kiểm soát toàn bộ Jerusalem. Trong tiến trình hòa đàm, vài lần Do Thái đề nghị giải pháp chia đôi cố đô nhưng phe Palestine cực đoan bác bỏ, chỉ đòi làm chủ toàn bộ Jerusalem, là một điều người  Do Thái không bao giờ chấp nhận. Vì vậy hòa đàm, nếu được tiếp tục, sẽ không bao giờ thành công.

Cho nên việc Mỹ tiên phong dời tòa đại sứ về thủ đô Do Thái (Tây Jerusalem) là điều hợp lý. Tiếc rằng  trong số 86 nước có quan hệ ngoại giao với Do Thái được mời, chỉ có 32 nước đến dự gồm 12 nước Phi Châu, 4 nước Liên Âu (Áo, Tiệp, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni) và 4 nước Á Châu trong khối ASEAN (Việt Nam, Thái, Phi Luật Tân, Miến Điện).

Những nước thân hữu với Mỹ như Pháp, Anh, Gia Nã Đại, Đức không những không đi dự lễ khai trương mà còn phê bình. Thủ tướng Malcolm Turnbull nói Úc sẽ không dời tòa đại sứ, còn Ngoại trưởng Julie Bishop giải thích việc đại sứ Úc không đi dự vì ông đang bận ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ các nước sợ bóng gió hay muốn làm dáng (political correctness).

Không đặt tòa đại sứ ở thủ đô là thái độ khiếp nhược trước bạo lực.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1678 phát hành ngày 23.05.2018)