Thủ tướng Morrison nặng gánh cải cách kinh tế hậu đại dịch

13 Tháng Năm, 2020 | Bình Luận
Thủ tướng Scott Morrison. Photo Courtesy: Reuters

Có vẻ như nước Úc sẽ không cần đến tận sáu tháng cho thời kỳ “ngủ đông nền kinh tế”, khi mà chúng ta đã tiến triển một cách nhanh chóng trong việc kiểm soát đại dịch. Các tiểu bang Queensland và Tây Úc hôm Chủ nhật đều đã lần lượt đưa ra các giảm nhẹ hạn chế. Queensland cho phép các hoạt động mua sắm không thiết yếu như quần áo, giầy dép; Tây Úc nâng số lượng người tụ tập lên tối đa 10 người thay vì 2  người như trước đây.

Nhưng tất nhiên, trong khi một số hạn chế được giảm nhẹ để giúp cuộc sống của người dân dễ dàng hơn phần nào, thì việc duy trì giữ khoảng cách trong cộng đồng cần tiếp tục được tuân thủ. Lúc này rõ ràng không phải là thời điểm cho sự tự mãn và chủ quan, nếu chúng ta không muốn những nỗ lực và hy sinh suốt gần hơn sáu tuần lễ qua “đổ sông đổ bể”.

Chính phủ liên bang, một mặt tiếp tục củng cố các biện pháp đối phó đại dịch, tiếp tục tăng cường trang thiết bị y tế, tăng cường xét nghiệm, thắt chặt biên giới, và gần đây nhất là thiết lập ứng dụng điện thoại giúp xác định người có tiếp xúc gần với ca nhiễm bệnh. Mặt khác, các nhà lãnh đạo đã bắt đầu hướng đến xây dựng một con đường ra cho kinh tế Úc hậu đại dịch.

TT Scott Morrison trong tuần qua đã tỏ ra rất quyết tâm trong việc việc xây dựng một phương hướng cải cách nền kinh tế một cách sâu, rộng và mang tính bứt phá, để có thể vực dậy nước Úc “mạnh mẽ hơn” – như ông đã nói trước khi đưa kinh tế Úc vào giai đoạn ngủ đông. Morrison cho hay, hiện tại ông “đang thu thập tất cả các phương án, ý tưởng” với một thái độ hoàn toàn cởi mở, sẵn sàng cho những đổi mới.

Kinh tế Úc cần cải cách hơn bao giờ hết. Với con số dự đoán ít nhất 10% dân số sẽ không có việc làm sau khi đại dịch đi qua, với hàng loạt cơ sở kinh doanh suy sụp, các khoản nợ công lớn, một số chuyên gia kinh tế e rằng nếu chúng ta vẫn duy trì lối vận động như trong những thập niên qua, thì nước Úc sẽ mất một thời gian dài trong thoi thóp để có thể đi đến hồi phục hoàn toàn.

Số liệu thống kê từ thư viện Quốc hội Úc cho thấy, kể từ lần suy thoái gần nhất cách đây gần 30 năm, tăng trưởng kinh tế Úc hàng năm phụ thuộc chủ yếu vào ba yếu tố: tăng trưởng dân số do nhập cư; xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà đất; và thị trường Trung Quốc trong việc nhập khẩu những lượng lớn than đá, quặng sắt. Vậy giờ đây, khi mà tất cả những yếu tố trên hầu như đã và sẽ ngưng lại, thì chúng ta không có phương cách nào khác ngoài việc cải cách. Chúng ta cần thúc đẩy cho việc đầu tư kinh doanh để tạo việc làm, nâng cấp công nghệ và sáng chế để tăng năng suất sản xuất, và đa dạng hóa các đối tác thương mại để giảm phụ thuộc vào TQ.

Có lẽ chính phủ đã xác định việc giảm lệ thuộc kinh tế vào thị trường TQ là một trong những mục tiêu cần thực hiện, khi mà thẳng thừng đứng lên yêu cầu TQ minh bạch nguồn gốc coronavirus, còn TT Morrison được cho là đã vận động các quốc gia châu Âu liên kết để thực hiện một cuộc điều tra độc lập về nó. Hành động này của chính phủ Úc chắc hẳn đã khiến nhiều người Úc khoái chí ủng hộ, thì chúng ta cũng có thể hình dung được Bắc Kinh tức tối như thế nào.

Còn về kinh tế, cho đến nay chính phủ Morrison với Josh Frydenberg trong vai trò Tổng trưởng ngân khố vẫn có xu hướng cải cách cắt giảm thuế cho doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư phát triển, đồng thời cải cách mối quan hệ lao động. Tuy nhiên, đảng Lao động đối lập và nghiệp đoàn Úc vẫn kiên quyết phản đối phương án này, cho rằng nó chỉ giúp mang lại lợi ích cho những tập đoàn lớn và lớp người giàu có trong xã hội.

Trong thời gian tới, sẽ có nhiều phương án được đặt lên bàn thảo luận cho Nội các chính phủ. Và một lần nữa, chính phủ Morrison sẽ tiếp tục được đặt vào thử thách mang tính lịch sử. Ðể có thể thực hiện một chương trình cải cách tạo đột phá, chính phủ cần có được sự tin tưởng từ người dân, có đủ sự ủng hộ từ các thành phần khác trong hệ thống chính trị, và hơn hết là một chính sách đúng đắn. Lịch sử cho thấy, nước Úc thường trỗi dậy mạnh mẽ sau khủng hoảng. Và lần này, chúng ta cũng hoàn toàn có quyền hy vọng.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1779 phát hành ngày 29.04.2020)