Thượng đỉnh liên Triều: biểu tượng và thực tế

16 Tháng Năm, 2018 | Bình Luận
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại đường ranh giới chia cắt hai miền. Photo Courtesy: Reuters

Sáng Thứ Sáu tuần qua, thế giới đã được chứng kiến qua màn ảnh truyền hình cuộc gặp mặt đối mặt giữa hai lãnh tụ Bắc và Nam Hàn tại biên giới giữa hai nước ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm khi Chủ tịch Kim Jong-un bước qua lằn ranh chia cách hai nước để bắt tay Tổng thống Moon Jae-in và sau đó nắm tay mời lãnh tụ Nam Hàn bước qua lằn ranh để cùng đặt chân lên đất Bắc Hàn. Chỉ một bước mà họ có thể mang lại hòa bình tạm thời cho bán đảo Triều Tiên. Cùng với cơn sốt bom nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa mà lại lãng mạn như trong truyện cổ tích và kiếm hiệp!

Nhưng như người ta nói, đây là một biến cố mang tính cách lịch sử vì lần đầu tiên một lãnh tụ Bắc Hàn đặt chân lên đất Nam Hàn. Vài tháng trước Kim Jong-un đã dọa sẽ mưa đại bác và hỏa tiễn lên Nam Hàn nếu Mỹ tấn công Bắc Hàn. Người ta chứng kiến  hai lãnh tụ bắt tay nhau, ôm nhau nói những gì đó vào tai nhau rồi bước lên thảm đỏ, duyệt đội quân danh dự của Nam Hàn, bắt tay và giới thiệu quan chức cao cấp của hai nước, chụp hình lưu niệm trước khi bước vào tòa nhà có tên Cung Hòa bình (Peace House) trên đất Nam Hàn để bắt đầu cuộc họp sau cánh cửa đóng kín. Đến trưa, Chủ tịch Kim Jong-un trở về nước để ăn trưa trước khi trở lại Cung Hòa Bình tiếp tục cuộc họp và làm vài hành động thân hữu tượng trưng như cùng Tổng thống Moon Jae-in trồng cây và cùng ăn tối.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh có tính cách lịch sử này hai bên đưa ra tuyên bố chung ngày 27/4 với chủ đề “vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất” trong đó có những điểm: Vận mệnh dân tộc do hai miền Nam Bắc quyết định; Bắc Nam sẽ ngừng mọi hành vi thù nghịch; biến khu phi quân sự thành vùng hòa bình bằng cách hai bên sẽ ngừng phát thanh và rải truyền đơn tuyên truyền từ ngày 1/5; nỗ lực xúc tiến cuộc gặp ba bên Hàn, Triều, Mỹ hay bốn bên với Trung Quốc; tổ chức đoàn tụ gia đình; nối kết và hiện đại hóa các tuyến đường bộ và sắt dọc biên giới; tiếp tục cùng tham gia các sự kiện thể thao; ngăn ngừa những xung đột quân sự bất ngờ.

Trong khi hai lãnh tụ đang họp, Tổng thống Donald Trump đã tweet nhiều lần trong ngày đại khái “Chiến tranh Triều Tiên sắp chấm dứt, nước Mỹ và nhân dân vĩ đại này nên tự hào vì hòa bình nay đã tới ở Triều Tiên” và “Sau một năm hung hăng phóng hỏa tiễn, thử nguyên tử, nay có một cuộc gặp mặt lịch sử, những chuyện tốt lành đang đến nhưng phải đợi thời gian mới biết” hay “Nhưng cũng chớ quên công lao người bạn tốt của tôi, Chủ tịch Tập của Trung Quốc”.

Trong khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thận trọng hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh này và yêu cầu Bình Nhưỡng hãy có những “hành động cụ thể hơn” về việc giải trừ nguyên tử, Thủ tướng Uc Malcolm Turnbull  nói ông không tin Bắc Hàn thành thật trong việc giải trừ vũ khí nguyên tử bởi thế giới đã từng thấy “những bình minh giả” từ Bắc Hàn trước đây do đó ông cho rằng thế giới phải tiếp tục duy trì cấm vận. Thủ tướng Turnbull nói chính cấm vận kinh tế đã dẫn đến thay đổi thái độ của Kim Jong-un do đó cần duy trì để dẫn đến việc giải trừ vũ khí nguyên tử thật sự trên bán đảo Triều Tiên.

Có lẽ trong tất cả các lãnh tụ thế giới tây phương, thủ tướng Úc là người có nhận xét chính xác và mạnh mẽ nhất đối với Kim Jong-un nói riêng và Bắc Hàn nói chung. Đã có bao nhiêu lần Nam Hàn và Hoa Kỳ có những thỏa thuận với Bắc Hàn về việc ngưng thử nghiệm vũ khí nguyên tử đổi lấy viện trợ nhưng Bình Nhưỡng vẫn chứng nào tật nấy quyết sở hữu vũ khí nguyên tử. Kim cha đã vậy, Kim con nay cũng thế.

Một giết ông dượng từng nâng đỡ mình, giết người anh cùng cha khác mẹ, thanh toán không biết bao nhiêu thuộc cấp để bảo vệ quyền hành thì cũng không từ chối mọi phương để đạt cứu cánh sở hữu vũ khí nguyên tử, càng nhiều càng tốt. Làm sao có thể tin lời Kim Jong-un ngưng mọi hoạt động thử nghiệm nguyên tử? Và quan trọng nhất làm sao theo dõi và kiểm soát?

Cuộc họp lịch sử tuần qua chỉ có tính cách biểu tượng nếu không muốn nói là trình diễn. Làm sao tin được cộng sản, lại là Hàn cộng? Cho nên cần tiếp tục cấm vận.­­

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1675 phát hành ngày 02.05.2018)