Tiền điện tăng, giải quyết thế nào đây?

26 Tháng Chín, 2018 | Bình Luận
Hình minh họa. Photo Courtesy: Reuters

Không ít người dân sống tại Úc đã vô cùng bực bội về giá điện tăng ngất ngưởng trong thời gian gần đây. Các đảng, các chính trị gia cũng chao đảo trong vấn đề giảm giá điện cho người dân. Theo báo cáo mới nhất của Viện Grattan, hóa đơn tiền điện của các gia cư tại một số tiểu bang đã tăng tới 20% chỉ tính riêng trong năm ngoái, khiến người tiêu dùng Úc trở thành những người phải chịu giá điện cao nhất trên thế giới.

Nguyên nhân là do đâu? Thứ nhất, đó là việc đóng cửa của một số nhà máy nhiệt điện đốt than, trong đó mới đây nhất là Hazelwood tại Victoria vào cuối năm 2017. Nhà máy điện đóng cửa đồng nghĩa với việc nguồn cung điện giảm, đẩy giá thành bán lẻ. Thứ hai, chi phí nguyên liệu cho sản xuất điện tăng, bao gồm khí ga và than đen, khiến giá điện cũng theo đó mà tăng. Và thứ ba là, các nhà cung cấp điện lợi dụng quyền lực thị trường của mình để tạo ra sự khan hiếm nguồn cung giả tạo, từ đó ép giá bán. Báo cáo Grattan cho biết việc này đã xảy ra tại Queensland, Nam Úc, Victoria, và có thể sẽ tiếp tục tại NSW sau khi nhà máy nhiệt điện Liddell đóng cửa năm 2022 theo kế hoạch để thay thế bằng năng lượng tái tạo.

Như vậy có thể thấy rằng, các nhà máy nhiệt điện từ than đá đã đóng cửa trước khi có cơ sở vật chất sẵn sàng cho việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Một trong những lý do dẫn đến điều này chính là sự bối rối của chính phủ Liên bang. Các nhà lãnh đạo Úc đã không đưa ra một kế hoạch cụ thể và nhất quán về chiến lược năng lượng quốc gia, một mặt thúc đẩy việc thực hiện cam kết trong Hiệp định Paris với mục tiêu cắt giảm 26-28% lượng khí thải trước năm 2030, mặt khác lúng túng trong việc đưa ra chiến lược nhằm đảm bảo giá điện hợp lý cho người dân. Điều này dẫn đến việc các nhà máy nhiệt điện lâu năm đóng cửa khi đến thời hạn thay vì nâng cấp để tiếp tục hoạt động, nhưng cũng không cho nhà đầu tư thấy một tương lai rõ ràng nếu đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế.

Một thực tế khác là, không nên mong đợi vào một tương lai với giá điện rẻ hơn. Viện nghiên cứu Grattan đưa ra kết luận trong báo cáo của mình rằng, giá điện cao hiện nay là “mức bình thường mới” và các chính trị gia cần phải trung thực với người dân về điều đó. Điều có thể trông đợi bây giờ là mức giá này được giữ nguyên thay vì tiếp tục tăng vọt. Đảng Lao động đối lập thường liên tục kêu gọi chuyển đổi sang sản xuất năng lượng sạch, khẳng định rằng nếu Úc đạt được mục tiêu là năng lượng tái tạo (gồm gió và mặt trời) cung cấp 50% tổng lượng điện năng tiêu thụ thì giá điện sẽ giảm. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các kỹ sư gửi đến nội các bóng tối phân tích, hóa đơn điện trong thực tế có thể sẽ tăng 84% vào năm 2040 nếu mục tiêu năng lượng này được thực hiện.

Ngược lại, bản báo cáo cũng cho thấy nếu năng lượng đốt than được thay thế bằng năng lượng hạt nhân thì giá điện sẽ gần như không thay đổi. Năng lượng hạt nhân có thể là một nguồn thay thế hợp lý trong việc sản xuất điện tại Úc với giá thành rẻ, đảm bảo lượng cung ổn định mà hoàn toàn không thải ra khí nhà kính CO2.

Mặc dù nhiều người vẫn còn e ngại từ thảm họa lò phản ứng hạt nhân Fukushima của Nhật Bản hồi năm 2011 khiến một trăm nghìn người phải sơ tán, nhiều nước trên thế giới cũng đã xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để cung cấp điện toàn quốc. Tính đến cuối năm ngoái, trên thế giới có 448 nhà máy điện hạt nhân sản xuất khoảng 392,364 megawatts điện năng. Còn tại Úc, phương án này vẫn chưa được đưa vào bàn thảo luận, do Luật Bảo vệ Môi trường và Duy trì Đa dạng Sinh thái hiện tại vẫn cấm sản xuất năng lượng hạt nhân.

Sự ra đi của các nhà máy nhiệt điện là một điều không thể tránh khỏi, bởi sử dụng năng lượng sạch là hướng đi toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quá trình chuyển tiếp này thiết nghĩ phải diễn ra một cách từ từ, trong đó các nhà máy điện chạy bằng đốt than vẫn nên được hỗ trợ để tiếp tục hoạt động, trước khi quyết định và tạo cơ sở vật chất cho nguồn năng lượng thay thế. Và nên chăng không loại trừ khả năng về nhà máy điện hạt nhân cho nước Úc?

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1694 phát hành ngày 12.09.2018)