Trung Cộng: có tiền mua tiên cũng được?

14 Tháng Mười, 2016 | Bình Luận
Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được hôm 21/5 cho thấy Trung Quốc vẫn tăng cường bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Photo Courtesy: WSJ

Kể từ khi cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gây sự quan ngại của thế giới, nhất là đối với Mỹ và  các quốc gia đồng minh như Nhật và Úc, ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 nước Brunei, Cam Bốt, Nam Dương, Lào, Mã Lai, Miến Điện, Phi, Singapore, Thái và Việt Nam) đã chưa bao giờ đồng thuận để ra một thông cáo chung về vấn đề mà nhiều nước trong nhóm quan tâm như Phi Luật Tân, Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai và Brunei.

Những nước này, ngoài Đài Loan  không là thành viên của ASEAN, đều có khẳng định chủ quyền ít nhiều ở Biển Đông. Thế nhưng sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague (Hòa Lan), tất cả 10 nước hội viên trong thông cáo chung tại diễn đàn ở Vạn Tượng vào tuần qua đã tránh nói về phán quyết này, không nêu danh  Trung Cộng. Thông cáo chung chỉ nói hiệp hội “quan ngại một cách sâu xa” những diễn biến đang xảy ra tại Biển Đông.

Trước đó, Phi Luật Tân đã cảnh báo hoạt động có tính cách khiêu khích của tàu bè Trung Cộng gần bãi  cạn Scarborough, chỉ cách thủ đô Manila 355 cây số. Tổng thống Phi cũng đã chuẩn bị bài diễn văn trong đó ông sẽ đề cập đến phán quyết của tòa án trọng tài do Phi nộp đơn kiện từ năm 2013. Nhưng ông tổng thống bạo miệng với Tòa thánh La Mã, với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cuối cùng đã không dám làm mất lòng Bắc Kinh nên chỉ nói về những vấn đề khác.

Việt Nam cũng chẳng khá hơn. Mặc dù đã từng nói có thể theo chân Phi Luật Tân để kiện Trung Cộng sau vụ dàn khoan Hải Dương 981, Bộ Chính trị đảng CSVN cuối cùng chọn con đường thỏa hiệp bằng cách nói chuyện tay đôi hầu giữ gìn phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt mà Bắc Kinh đề ra.

Vì vậy, những quốc gia không có  lợi ích tại Biển Đông như Cam Bốt và Lào chẳng có lý do gì để làm mất lòng Trung Cộng. Nước chủ nhà Hội nghị ASEAN năm ngoái đã tìm cách cản trở hiệp hội phê phán Trung Cộng vì Bắc Kinh đã viện trợ cho  Nam Vang một số tiền lớn. Bắc Kinh hầu như đã mua được Thủ tướng Hun Sen một thời thân Hà Nội. Và trước khi có hội nghị ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á ở Vạn Tượng, Bắc Kinh cũng đã hứa chi viện hàng trăm triệu cho Lào, khiến nước chủ nhà đã tìm cách ngăn cản hiệp hội đưa ra một thông cáo lên án Trung Cộng như Mỹ, Nhật và Úc mong muốn.

Mỹ là quốc gia không đòi chủ quyền nhưng muốn duy trì  sự ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông, nên Tổng thống Obama đã cho rằng phán quyết của Tòa án Trọng tài The Hague có tính cách bó buộc phải tuân theo và ông kêu gọi Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết đó dù bất lợi cho tham vọng của họ. Thủ tướng Úc trước đó cũng tái minh định lập trường của Úc  là yêu cầu Bắc Kinh hãy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình trên căn bản tôn trọng luật pháp quốc tế.

Luật pháp quốc tế đã phán rằng   Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý nhưng các nước liên hệ đã ngậm miệng không lên tiếng. Phải chăng “quyền lực mềm” đã thắng thế?

Gần đây báo chí  Úc thường xuyên nói đến quyền lực mềm (soft power) của Trung Cộng. Trở thành một cường quốc kinh tế thứ hai, Bắc Kinh đã tận dụng sở trường “quyền lực mềm” song song với sự hiện diện của tàu chiến ở Biển Hoa Đông hay xây các căn cứ quân sự ở Biển Đông. Trung Cộng đổ tiền vào các nước láng giềng, những nước có tranh chấp ở Biển Đông đã đành, họ còn đầu tư mạnh bạo vào Úc và cũng từng bị Úc xù vì vấn đề an ninh và quốc phòng.

Vụ Thượng nghị sĩ Lao động Sam Dastyari nhận tiền của các tổ chức, công ty Trung Cộng (dù không phải là phi pháp) nhưng cho thấy dễ bị thỏa hiệp. bị ảnh hưởng như qua việc ông nghị ủng hộ Trung Cộng trong vấn đề Biển Đông. Các nhà khoa bảng Úc cũng vừa lên tiếng báo động “quyền lực mềm” của Trung Cộng trong các định chế văn hóa và bang giao tại Úc.

Úc nhất quyết phải đề phòng đồng tiền Trung Cộng ảnh hưởng lên nền chính trị của nước mình.

(Xã luận báo in TVTS số 1590 phát hành ngày 14.9.2016)