Từ 25 tháng 4 của Úc đến 30 tháng 4 của VN

09 Tháng Năm, 2018 | Bình Luận
Ngày Anzac: Hàng ngàn người tham gia lễ tưởng niệm trên khắp nước Úc. Photo courtesy: Reuters

Khi số báo này đến tay bạn đọc ngày hôm nay, Úc đang kỷ niệm một ngày lễ quan trọng bậc nhất, linh thiêng nhất của đất nước: ANZAC DAY, với nghi thức hừng đông và sau đó là cuộc diễn hành với sự tham dự của các cựu chiến binh đồng minh trong đó có các cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Đây là ngày mà 103 năm trước Úc cùng Tân Tây Lan tham dự Đệ nhất Thế chiến với cuộc đổ bộ lên Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm 25 tháng 4 năm 1915.  Trên 8,000 binh sĩ Úc đã chết trong trận tấn công Gallipoli và chính trận đánh này đã hun đúc và hình thành một cách rõ nét tinh thần quốc gia của Úc. Một năm sau ngày đổ bộ đó, ANZAC DAY đã được chính thức công nhận để vinh danh và tưởng nhớ tất cả các binh sĩ Úc đã chiến đấu và hy sinh trong mọi cuộc chiến, bao gồm 521 quân nhân Úc đã chết trên chiến trường Việt Nam.

Cũng chính sự tham chiến của Úc tại Việt Nam mà sau ngày 30 tháng 4 đã có khoảng một trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam tị nạn cộng sản được nước Úc đầy lòng nhân đạo đón nhận, cho định cư ở vùng đất  phúc địa này. Các cựu quân nhân của Quân lực VNCH dù không chiến đấu để bảo vệ nước Úc nhưng cũng đã được đối xử bình đẳng và được hưởng các quyền lợi như những binh sĩ Úc.

Và hôm nay, đã có khoảng ba trăm ngàn người Việt chọn  Úc làm quê hương thứ hai của họ. Những người sinh đẻ ở đây dĩ nhiên coi đây là quê hương của họ nhưng cũng có một số người vẫn nặng lòng với quê hương gốc của cha mẹ họ. Những người đến Úc theo diện di dân hay đoàn tụ, dù muốn dù không cũng đã thích đất nước để có thể từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của họ, và đó là một sự lựa chọn.

Nhưng những người tị nạn thì khác. Họ ra đi ngoài ý muốn, bởi họ bị đàn áp, bách hại, bị đối xử bất công vì lý do chính trị, tôn giáo, sắc tộc. Bởi họ không được tự do phát biểu ý kiến, được tự do hội họp, tự do làm việc, thậm chí cả không có tự do đi lại, cư trú. Quá khứ VNCH của họ cản trở họ và cả con cái của họ được cơ hội sống bình đẳng như những người dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hơn ai hết, những người thuộc nhóm cuối cùng, bị bứng ra khỏi quê hương của mình một cách tức tưởi qua những chuyến vượt biên, khó có thể quên ngày 30 tháng 4.

Đã 43 năm kể từ ngày ấy, có gì thay đổi không? Quang phục lại Việt Nam Cộng Hòa như một số người chủ trương? Khó quá! Chỉ là ước mơ mà thôi. Những tổ chức võ trang, bán võ trang và chính trị ở trong nước và hải ngoại chỉ gây tiếng vang chứ không thay đổi được cục diện đã được an bài, được các đồng minh  cũ của VNCH thừa nhận.

Bắc Việt đã vi phạm hiệp định Paris năm 1973, chiếm Miền Nam bằng vũ lực nhưng cuối cùng đồng minh lớn nhất một thời thề sắt son với VNCH cũng đã nuốt lời thề, nếu không muốn nói là phản bội. Cùng với sự sụp đổ của chính quyền Cam Bốt và VNCH, người ta có câu rằng làm kẻ thù của Mỹ tốt hơn là làm bạn, hay Mỹ không có kẻ thù hay bạn vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi.

Nếu hiểu được như vậy, chúng ta sẽ không thù hay ghét Mỹ mà phải biết tự lực tự cường, có nghĩa chỉ có người dân Việt Nam mới có thể tự quyết định vận mạng của đất nước mình. Và sự thay đổi đó phải từ bên trong, không ai làm dùm nếu họ chịu chấp nhận sự cai trị của CSVN. Người Việt ở hải ngoại chỉ góp tiếng nói hay sự vận động với quốc tế mà thôi. Ai đấu tranh để mong có ngày về nắm chính quyền là hoang tưởng.

Đã 43 năm rồi, chỉ có một số thay đổi nhỏ. Người dân trong nước được tự do đi lại, được dễ dãi hơn trong việc cư trú, được tự do tương đối trong việc làm ăn nhưng vẫn chưa có tự do tôn giáo, ngôn luận, lập hội và tham gia chính quyền. Vì vậy mới có những cuộc đấu tranh chống đảng và nhà nước chiếm đất đai của dân, chống phá hoại môi trường như  vụ Formosa, chống sự đê hèn trước sự xâm lấn đất và biển của Tàu.

Ngày 30 tháng 4 đã tạo ra giai cấp khác: đảng viên cộng sản và đại gia, giai cấp cai trị và bị trị.  Sự bất công quá rõ rệt này khiến một ngày nào đó sẽ có cuộc cách mạng, vì người bị áp bức (vô sản) không có gì để mất. Gậy ông đập lưng ông.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1674 phát hành ngày 25.04.2018)