Úc – Trung đối đầu gay gắt theo sau luật an ninh quốc gia Hồng Kông

29 Tháng Bảy, 2020 | Bình Luận
Cờ Úc trước Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh tháng 4/2016. Photo courtesy: Reuters

Mối bang giao Úc – Trung có lẽ ‘chưa bao giờ tốt đẹp hơn’? Khi mà chỉ trong tuần qua chính phủ Úc đã đưa ra một loạt hành động khiến chính quyền độc tài Trung cộng phẫn nộ. Bộ Ngoại giao Úc cập nhật lời khuyên đi lại, cảnh báo công dân có thể đối mặt với khả năng “bị giam giữ vô cớ” nếu đi tới Trung Quốc. Trong khi đó, chính phủ Morrison đưa ra đề nghị mở đường cho hàng ngàn công dân Hồng Kông đang ở Úc được gia hạn visa thêm 5 năm và sau đó có cơ hội định cư vĩnh viễn.

Cùng lúc Úc cũng tạm ngưng thỏa thuận dẫn độ với HK, gián tiếp thể hiện rằng chính phủ Úc không còn sự tin tưởng vào sự độc lập của hệ thống lập pháp ở HK dưới đạo luật an ninh quốc gia mới. Chính phủ liên bang còn đưa ra lời khuyên đối với hàng chục nghìn công dân Úc đang làm việc tại HK nên cân nhắc chuyển tới những khu vực “thân thiện” hơn.

Úc, cùng với Anh quốc và Canada là những quốc gia có hành động chỉ trích mạnh mẽ đạo luật khắc nghiệt mà Bắc Kinh mới thông qua cho HK. Canada cũng đã tạm ngưng thỏa thuận dẫn độ với HK, trong khi Anh quốc sẽ cho phép khoảng 350 ngàn người HK đang giữ hộ chiếu hải ngoại Anh tới sinh sống và sau đó có thể xin định cư vĩnh viễn.

Chính quyền tại Canberra thì không đi một bước xa đến như vậy, chỉ nói cung cấp cơ hội cho những người hiện tại đang sinh sống và học tập trên đất Úc (mà con số hiện tại xấp xỉ 10 ngàn người), chứ không đưa người từ HK vào Úc một cách ồ ạt theo chương trình nhân đạo.

Điều này có thể đến từ hai lý do chính: thứ nhất là chính phủ liên bang cần phải xem xét tình hình kinh tế và xã hội hiện tại trong khả năng đáp ứng được một luồng nhập cư mạnh mẽ từ nước ngoài tới. Và thứ hai là, có thể Úc vẫn muốn một chiến lược có tính toán và thận trọng trước Trung Cộng, để không gây ra một cơn thịnh nộ lớn cho một Bắc Kinh vốn đã hậm hực chực chờ trả đũa.

Nhưng việc hỗ trợ người dân HK bị đe dọa về quyền tự do dân chủ, thậm chí đứng trước nguy cơ bị cầm tù bởi cộng sản Trung Quốc, là không thể không làm. Chúng ta không thể giữ im lặng trước những hành vi bất chấp của TQ, không hề đoái hoài đến vấn đề ngoại giao hay luật pháp. Và chúng ta phải lên tiếng để có thể gây ảnh hưởng phần nào lên mức độ áp dụng của đạo luật này ở HK.

Cụ thể đạo luật an ninh quốc mới đối với HK sẽ được áp dụng như thế nào thì chưa rõ, bởi vẫn còn rất nhiều chi tiết mơ hồ. Tuy nhiên điều rõ ràng là nó sẽ không chỉ là công cụ để chính quyền trung ương Bắc Kinh loại bỏ những tiếng nói bất đồng ở HK, mà còn để “dằn mặt” các quốc gia Tây phương, những nhà nước dân chủ tìm cách vận động cho quyền tự do của người HK. Và điều sẽ trở nên nguy hiểm đó là, việc bắt bớ xét xử một cách bất quy tắc vốn xẩy ra ở TQ giờ đây sẽ được mở rộng cho cả HK. Vì vậy những khuyến cáo mà chính phủ Úc đưa ra cho công dân tới các khu vực này là hoàn toàn chính đáng.

Cho đến nay, tất cả những hành động từ phía chính phủ liên bang Úc có thể nói là chừng mực nhưng cứng rắn. Chúng ta đã khẳng định một quan điểm rõ ràng trước Trung Cộng, rằng chúng ta sẽ không đời nào nhún nhường. Thế nhưng, đối với TC dưới quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình, không chịu im lặng tức là đứng vào thế kẻ thù. Phát ngôn nhân Ngoại giao của TQ đã liên tục đe dọa Úc, cảnh cáo rằng chúng ta “đừng có lún quá sâu vào con đường sai lầm.”

Chính phủ Úc hồi đầu tháng đã chi thêm một khoản đáng kể là 270 tỷ đô la cho quốc phòng, để đầu tư vào các loại vũ trang tối tân. Đây được cho một kế hoạch nhằm vào việc đề phòng mối đe dọa từ TQ. TT Morrison lường trước về một “trật tự toàn cầu ngày càng bất ổn” hậu đại dịch, và do đó chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng.

Trung Cộng với tham vọng vô tận của họ Tập, chắc chắn sẽ còn tiếp tục tìm cách uy hiếp để bành trướng. Và đó là một mối đe đọa đến dân chủ trên toàn thế giới. Nước Úc sẽ cần phải đứng vững trên lập trường của mình, và xây dựng một lực lượng đồng minh vững chắc trước thế lực này.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1790 phát hành ngày 15.07.2020)