Úc và Nam Dương: “môi hở răng lạnh”

25 Tháng Một, 2017 | Bình Luận
Lực lượng đặc biệt Nam Dương huấn luyện tại TP Perth, Úc. Photo Courtesy: EPA

Vừa qua, quân đội Nam Dương đã thông báo đình chỉ mọi sự hợp tác quân sự giữa hai nước Nam Dương và Úc. Thông báo quan trọng này đã được đưa ra trong khi hai nước đang chuẩn bị cho cuộc tập trận hải quân vào tháng tới.

Vào ngày 9 tháng 12 vừa qua, quân đội Nam Dương đã gởi một lá thư cho tất cả các quân nhân của họ đang theo học khóa huấn luyện và trao đổi tại Úc là hãy về nước đồng thời cũng báo cho tất cả mọi đơn vị biết rằng việc hợp tác quân sự với Úc đang được xét lại.

Ngày 29 tháng 12, Tướng Gatot Nurmantyo tư lệnh quân đội Nam Dương đã gởi cho Đại tướng Không quân Mark Binskin tư lệnh quân đội Úc một lá thư thông báo việc ngưng hợp tác này bao gồm hợp tác trao đổi thông tin tình báo và tuần tra hỗn hợp trên biển. Tướng Binskin đã viết thư trả lời, hứa với Tướng Nurmantyo là những quan tâm của Nam Dương sẽ được cứu xét một cách nghiêm túc.

Đó là những gì người ta được nghe cho đến khi sự việc bùng nổ và tin ngưng mọi hợp tác giữa hai bên được báo chí Úc đăng tải vào giữa tuần qua. Có tin cho hay quyết định đơn phương này đã được giới quân sự Nam Dương tiết lộ cho truyền thông Nam Dương biết trước khi họ thông báo cho chính phủ Úc.

Cũng có tin là Tướng Nurmantyo đã  quyết định mà không hỏi ý kiến hay thông báo cho Tổng thống Nam Dương Joko Widodo. Tuy nhiên, trước “việc đã rồi” này, tổng thống Nam Dương đã ủng hộ người đứng đầu quân đội, cho rằng đấy là một “vấn đề có tính nguyên tắc”.

Thiếu tướng Wuryanto, phát ngôn viên quân sự của Nam Dương cho rằng việc đơn phương ngưng hợp tác quân sự với Úc là do những tài liệu học tập ở căn cứ Perth mang tính cách xúc phạm. Ông tướng nói đấy chỉ là một trong những lý do và còn nhiều vấn đề khác cần phải “được làm cho tốt đẹp hơn”.

Tài liệu bị cho là xúc phạm đó là việc chế nhạo từ “pancasila”,   nguyên tác chỉ đạo của Nam Dương về tôn giáo, nhân sinh, dân chủ, đoàn kết và công bằng xã hội. Nhưng dưới chữ đó, có ai đã viết chữ “pancagila” như để chế nhạo 5 nguyên tắc chỉ đạo đó của nước này.  Vì  “gila” theo tiếng Nam Dương, có nghĩa là điên khùng. Một sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt của Nam Dương khi thấy vậy đã báo cho cấp trên.

Người ta cũng được biết rằng ngoài từ mang tính cách chế nhạo “pansigila”, tài liệu học tập còn mang tính cách đụng chạm đến vấn đề nội bộ của nước này như vấn đề Đông Timor, Tây Papua. Nhưng có lẽ trên tất cả là thái độ của Tướng  Nurmantyo, một người có đầu óc bài Úc trong các bài viết của ông được đưa lên mạng.

Đại tướng Nurmantyo được cho là cáo buộc Úc xúi Đông Timor tách rời khỏi Nam Dương vì vấn đề các giếng dầu ở Đông Timor. Ông  nghi ngờ sự hiện diện của thủy quân lục chiến Mỹ ở Darwin vì quá gần Tây Papua nơi đang có phong trào đòi độc lập và giếng dầu Masela của Nam Dương. Ông cũng cho rằng đã chận được âm mưu Úc tuyển các sĩ quan cao cấp Nam Dương làm tình báo cho Úc. Ngoài ra, vị tướng bốn sao này còn tuyên bố rằng một vị tướng Úc đã gởi lời xin lỗi hay một vị tướng khác sẽ bay qua Nam Dương để xin lỗi mà trên thực tế chuyện đó chưa xảy ra.

Những việc làm của   Nurmantyo cho thấy chính phủ dân sự của Tổng thống Widodo đang bị áp lực của giới quân sự cho nên dù  ông tướng quyết định mà không hỏi ý kiến, ông tổng thống cũng ủng hộ.

Đây không phải là lần đầu tiên có sự căng thẳng giữa hai nước. Năm 1999 Úc đã ngưng hợp tác quân sự với Nam Dương qua vụ khủng hoảng Đông Timor. Năm 2011 Úc ngưng xuất cảng bò qua Nam Dương. Năm 2013 Nam Dương triệu hồi đại sứ vì sự tiết lộ vụ Úc nghe lén tổng thống Nam Dương Yudhoyono, vợ ông và những người thân cận. Năm 2015 Úc triệu hồi đại sứ vì Nam Dương xử bắn hai công dân Úc tội buôn ma túy.

Nhưng do vị trí địa thế, Úc và Nam Dương cần phải hợp tác với nhau để ngăn chận khủng bố và sự bành trướng của Trung Cộng. Nam Dương là môi, Úc là răng. Cả hai nước đều có lợi khi hợp tác dù văn hóa có khác nhau. Tổng thống Widodo phải chứng tỏ ông có quyền  trên các vị tướng lãnh.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1607 phát hành ngày 11.01.2016)