Về thay đổi Hiến pháp công nhận thổ dân

31 Tháng Bảy, 2019 | Bình Luận
Thủ tướng Scott Morrison. Photo courtesy: Reuters

Những vấn đề trong cộng đồng người thổ dân, cũng như những tranh cãi trong việc nhìn nhận người thổ dân tại Úc vẫn luôn là những tranh luận dường như không hồi kết. Kiến nghị đổi ngày Quốc khánh, rồi biểu tình phản đối Quốc ca, và bây giờ là kêu gọi thay đổi Hiến pháp để công nhận tiếng nói của người thổ dân trong quốc hội. Tất nhiên những đấu tranh và kiến nghị này được đưa ra dưới danh nghĩa vì lợi ích của cộng đồng người bản địa, nhưng có vẻ như chỉ đơn thuần mang tính chất biểu tượng trong khi thiếu tác động thiết thực.

Mới tuần qua, trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên trong vai trò Bộ trưởng Thổ dân Sự vụ, Ken Wyatt cam kết rằng trong vòng ba năm tới ông sẽ cố gắng để thực hiện cuộc trưng cầu dân ý đối với  việc công nhận tiếng nói của thổ dân Úc trong Hiến pháp. Hiện tại ông đang trong quá trình thiết lập một bản đề nghị và đang nghiên cứu phương thức mà Chính phủ có thể thêm vào một cơ quan đại diện cho người thổ dân và dân bán đảo Torres.

Đề nghị của thượng nghị sỹ Wyatt nhận được nhiều phản hồi trái chiều trong nội bộ Liên đảng khiến chính phủ phải dè dặt và cố làm sáng tỏ hướng đi mà đề nghị này nhắm tới. Bộ trưởng Nội an Peter Dutton trong một phỏng vấn ít ngày sau đó với đài số 9, ám chỉ rằng chính phủ sẽ chỉ theo đuổi một sự công nhận chỉ mang tính biểu tượng trong hiến pháp. Ông Dutton cho biết “chúng tôi không đồng tình với việc thành lập một viện thứ ba trong quốc hội hoặc một tiếng nói riêng rẽ”.

Thật vậy, tại sao lại cần thành lập một viện thứ ba ngoài Thượng viện và Hạ viện để chỉ dành riêng cho đại diện của cộng đồng thổ dân? Như vậy chẳng phải không những giúp hàn gắn mà chỉ gây thêm chia rẽ dựa trên sắc tộc? Tại sao không nhìn nhận toàn bộ người Úc không kể màu da, giới tính, tín ngưỡng tất thảy đều ngang hàng, bình đẳng, được hưởng những quyền lợi như nhau và được đối xử một cách không phân biệt? Và câu hỏi quan trọng là – chính những thổ dân Úc, điều họ thật sự cần là gì?

Hiện tại Bộ trưởng Wyatt hướng đến việc thành lập một cơ quan tham vấn riêng đối với các chính sách về thổ dân, mong muốn chính phủ “dừng lại và lắng nghe những tiếng nói của người dân Úc bản địa ở mọi cấp.” Ông khẳng định rằng, tất cả những gì họ cần đó là chính phủ nghe thấy những vấn đề của họ, những câu chuyện về mảnh đất của họ và lịch sử bản địa của họ.

Vấn đề là, nó đã và đang diễn ra, chứ đâu cần phải đợi tới khi tạo thay đổi trong hiến pháp, lập ra một cơ quan mới trong cấu trúc chính trị. Chính bản thân Ken Wyatt là bằng chứng, ông là một thượng nghị sỹ, một lãnh đạo đứng đầu bộ chuyên trách về cộng đồng thổ dân Úc. Trong Quốc hội tai các cấp liên bang cũng như tiểu bang có những đại biểu tự nhận mình là người thổ dân. Điều đó có nghĩa là, họ có trước mắt cơ hội bước chân vào chính trị, trở thành lãnh đạo, và cất lên tiếng nói trong quá trình hoạch định chính sách như tất cả người Úc khác. Thậm chí các cơ quan chính phủ còn đưa ra nhiều ưu tiên dành cho những người có nguồn gốc thổ dân.

Mặt khác, những vấn đề thực tiễn mà người dân trong các cộng đồng thổ dân Úc đối mặt hàng ngày có lẽ chẳng phải việc có hay không một cơ quan riêng trong quốc hội, mà những bất cập cốt lõi đến từ văn hóa và lối sống của chính họ- đó là bạo lực gia đình, nghiện ngập, thất học, các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nó đã và đang diễn ra, và bao nhiêu chính trị gia tự cho mình là đại diện của người dân thổ địa ở đâu trong những cuộc chiến này? Thêm những thay đổi trong hiến pháp, thêm một cơ quan chính trị, suy cho cùng rồi cũng thêm ghế cho những chính trị gia thiếu kết nối với thực tế, chỉ ra rả kêu gọi quyền, kêu gọi công nhận, nhưng chẳng làm gì mấy để giúp đỡ.

Nước Úc không cần một cái gọi là cơ quan riêng trong quốc hội để lắng nghe ‘tiếng nói’ người thổ dân, hay tiếng nói từ người da vàng trắng đen nâu, từ nam hay nữ. Cái ta cần là một Quốc hội thống nhất, biết lắng nghe và hành động, cho tất cả mọi đối tượng ở mọi ngóc ngách – một cách ngang bằng.

(Trích từ báo in TVTS số 1738 phát hành ngày 17.7.2019)