Vote No: vì không có gì sai, tại sao lại đổi!

18 Tháng Mười, 2017 | Bình Luận
Những người phản đối hôn nhân đồng tính ở Úc biểu tình tại một công viên ở thành phố Sydney, Úc, 23 tháng 9, 2017. (Photo: Reuters)

Cuộc tranh luận về việc thay đổi luật hôn nhân để thừa nhận hôn nhân đồng tính đang trở nên sôi nổi dù còn khoảng bốn tuần lễ nữa mới chấm dứt cuộc bỏ phiếu chọn Yes hay No bằng đường bưu điện.

Đáng lý phải có một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này như nước Ái Nhĩ Lan đã làm và như Thủ tướng Malcolm Turnbull đã hứa trong cuộc vận động tranh cử vào năm ngoái rằng ông sẽ cho tổ chức trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính nếu thắng cử.

Nhưng đảng Lao động đã đứng về phía đảng Xanh để ngăn chặn dự luật của chính phủ Liên đảng. Ông Turnbull đã duy trì lời hứa hỏi ý dân về hôn nhân đồng tính nên đã sử dụng phương pháp thăm dò ý dân qua đường bưu điện với sự hợp tác của Sở Thống kê. Một vài chính trị gia Lao động và Xanh đã kiện lên Tối cao Pháp viện với lý do chính phủ Liên đảng đã vi phạm luật khi tổ chức hỏi ý dân bằng bưu điện, nhưng đã bị tòa án bác bỏ.

Thế là người dân được có tiếng nói đối với một vấn đề mà rất nhiều người coi là quan trọng, dù họ ủng hộ hay chống hôn nhân đồng tính. Thủ tướng Turnbull nói ông và vợ ông đã bỏ phiếu Yes và kêu gọi mọi người hãy bỏ phiếu Yes. Ông Turnbull nói nếu phe Yes thắng, ông sẽ tiến hành nhanh chóng dự luật hôn nhân đồng tính để quốc hội thông qua trước Giáng sinh.

Thủ lãnh Đối lập Bill Shorten tuy kêu gọi hãy ủng hộ Yes nhưng lại thòng thêm rằng nếu đảng Lao động lên cầm quyền, ông sẽ cho hợp thức hóa hôn nhân đồng tính trong vòng một trăm ngày. Điều này có nghĩa ông sẽ không thừa nhận cuộc bỏ phiếu nếu phe No thắng, tức không thừa nhận ý kiến của dân và hoang phí $120 triệu tổ chức bỏ phiếu.

Như vậy, nếu phe No thắng, cũng không có gì bảo đảm là cuộc vận động thay đổi luật hôn nhân sẽ chấm dứt. Các chính trị gia, các tổng giám đốc công ty, các nghệ sĩ, các nhà báo sẽ tiếp tục vận động  để quốc hội bỏ phiếu thay cho dân về vấn đề gọi là bình đẳng hôn nhân. Nhưng thế nào gọi là bình đẳng hôn nhân khi từ ngàn xưa, hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà? Hôn nhân là sự kết hợp giữa tình yêu và tình dục để sinh con đẻ cái và nuôi dưỡng chúng, lưu truyền nòi giống. Hành động tình dục giữa hai người cùng phái không thể sinh con đẻ cái được.

Luật pháp Úc chỉ mới không coi hành động làm tình giữa người cùng phái không là tội phạm chỉ trong vòng nửa thế kỷ gần đây. Nam Úc đi tiên phong vào năm 1975 và Tasmania là tiểu bang cuối cùng không còn coi làm tình giữa người đồng tính là tội phạm vào năm 1997. Có ai biết là cho đến năm 1924 tại NSW làm tình giữa hai người đàn ông bị phạt tù chung thân? Còn ai nhớ là tại Victoria đến năm 1949 làm tình bằng đường hậu môn bị phạt tử hình?

Những luật lệ khắt khe đã thay đổi vì chúng vi phạm nhân quyền. Nhưng không phải vì thế mà luật lệ phải thay đổi để thỏa mãn một thiểu số trong khi đi ngược lại sự tự nhiên hay luân lý xã hội. Tổng giám mục Công giao Mark Coleridge của Giáo phận Brisbane đã lên tiếng cho rằng nếu chấp nhận hôn nhân đồng tính thì cũng gần giống như chấp nhận hôn nhân giữa cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau (tức loạn luân).

Từ rất lâu song song với quan hệ tình dục lưỡng tính đã có quan hệ tình dục đồng tính. Một số người trong quá khứ đã sống trong đau khổ vì khuynh hướng tình dục của họ không được xã hội chấp nhận, thậm chí bị khinh rẻ hay tấn công. Ngày nay không những nhận thức của xã hội về vấn đề này đã thay đổi mà luật pháp cũng bảo vệ những người đồng tính.

Người đồng tính đã được bình đẳng trong mọi lãnh vực.Vậy thì vì lý do gì mà họ đòi (và một số người có tiền, có tiếng hay có quyền) đòi thay đổi luật lệ và quan niệm về đạo đức và tín ngưỡng của đa số?  Đó là chưa kể những linh mục, mục sư, người chứng hôn nhân, những người phục vụ đám cưới sẽ gặp khó khăn về pháp luật khi họ từ chối phục vụ các cặp đồng tính chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ.

Quan niệm về hôn nhân là giữa một người nam và nữ đã có từ ngàn xưa và hợp với tự nhiên, luân lý xã hội, thì tại sao phải thay đổi?

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1645 phát hành ngày 04.10.2017)